Lễ cơm mới của đồng bào Sán Dìu ở Đồng Hỷ

Khi lúa mùa chín, đồng bào dân tộc Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) khẩn trương thu hoạch, chọn ngày 'lành' tổ chức Lễ cúng cơm mới. Lễ vật là cơm, bánh gói từ lúa mùa mới thu hoạch, thịt gà, thịt lợn thành kính dâng cúng tạ ơn trời đất, thần linh, thành hoàng, thần nông, tổ tiên phù hộ mùa màng bội thu. Là tín ngưỡng truyền thống được đồng bào bảo tồn, gắn kết dân tộc, làng xã.

Tín ngưỡng lâu đời

Tỉnh Thái Nguyên có hơn 50 dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, hầu như dân tộc nào cũng có truyền thống, tập quán, tín ngưỡng riêng có của mình, tạo bản sắc đa dạng, phong phú, nhân văn trong cộng các dân tộc. Đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống ở các huyện miền núi, vùng cao thuộc tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có gần 16 nghìn người.

Từ lâu đời và ngày nay kinh tế thị trường phát triển, hội nhập sâu rộng, nhưng đồng bào dân tộc Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ luôn bảo tồn, gìn giữ 4 tín ngưỡng nông nghiệp trong năm là: Lễ ra đồng (tháng Giêng); Lễ hạ điền (tháng 4 âm lịch); Lễ thượng điền (tháng 7 âm lịch); Lễ cơm mới (tháng 8, 9 âm lịch) và Lễ tổng kết tạ ơn (cuối năm). Điều này thể hiện tinh thần coi trọng nông nghiệp, dù có làm nghề gì thì lúa gạo luôn là “cái gốc”, “có thực mới vực được đạo”.

Hằng năm, người dân tộc Sán Dìu chọn những thửa lúa mùa chín sớm để thu hoạch, phơi khô xát lấy gạo, nấu cơm, gói bánh làm lễ cơm mới.

Hằng năm, người dân tộc Sán Dìu chọn những thửa lúa mùa chín sớm để thu hoạch, phơi khô xát lấy gạo, nấu cơm, gói bánh làm lễ cơm mới.

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 8, tháng 9 (âm lịch), lúa mùa bắt đầu chín vàng trên những cánh đồng, bà con dân tộc Sán Dìu tại các địa phương thuộc huyện Đồng Hỷ lại hối hả thu hoạch những “hạt ngọc trời” chín sớm nhất và chọn ngày “lành” để tổ chức lễ cơm mới.

Lễ cơm mới được đồng bào Sán Dìu tổ chức để trịnh trọng báo cáo kết quả sản xuất, tạ ơn thần linh, thành hoàng, tổ tiên phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong phù hộ cho vụ sau mùa màng tốt tươi, bà con no ấm.

Ông Âu Đức Năm ở xóm Trại Gião, xã Nam Hòa chia sẻ: "Cơ chế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng người dân tộc Sán Dìu vẫn bảo tồn các nghi lễ trong năm, trong đó có lễ cơm mới".

Ông Âu Đức Năm ở xóm Trại Gião, xã Nam Hòa chia sẻ: "Cơ chế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng người dân tộc Sán Dìu vẫn bảo tồn các nghi lễ trong năm, trong đó có lễ cơm mới".

Ở mỗi xóm, cụm dân cư có đông người dân tộc Sán Dìu sinh sống sẽ có người phụ trách làm lễ, được gọi là Thủ từ hoặc Trưởng nhang. Lúa mùa bắt đầu chín, Thủ từ sẽ lựa chọn ngày “lành” và phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân để tổ chức lễ cúng cơm mới của xóm.

Người dân chọn thu hoạch lúa ở thửa ruộng chín sớm nhất, phơi khô đem xát lấy gạo, nấu thật đầy nồi, gói bánh cùng với thịt gà, thịt lợn làm các mâm lễ dâng lên những vị thần ngoài đình, chùa của xóm mình. Sau đó, các hộ mới tổ chức lễ cúng cơm mới tại gia đình mình.

Xã Tân Lợi có 8 xóm thì 7 xóm có đông người dân tộc Sán Dìu sinh sống, riêng xóm Bảo Nang có 900 nhân khẩu thì chỉ có 12 người dân tộc Sán Dìu, nhưng bà con vẫn tổ chức lễ cúng cơm mới tại đình.

Các hộ trong cộng đồng dân cư cùng nhau trịnh trọng sắp lễ cơm mới.

Các hộ trong cộng đồng dân cư cùng nhau trịnh trọng sắp lễ cơm mới.

Xóm Trại Gião, xã Nam Hòa có 196/197 hộ dân là người dân tộc Sán Dìu với hơn 800 nhân khẩu, diện tích đình nhỏ hẹp nên xóm chia số hộ thành 8 tổ dân cư, mỗi tổ phụ trách từng lễ cúng trong năm. Tổ phụ trách lễ cúng cơm mới năm nay, trước ngày lễ, ngoài gạo mới thu hoạch, các hộ dân đóng góp để cùng nhau làm 5 mâm lễ và cỗ liên hoan.

Ông Âu Đức Năm ở xóm Trại Gião chia sẻ: “Bà con Sán Dìu quan niệm Lễ cơm mới là tín ngưỡng linh thiêng, lễ trọng trong năm nên từ ngày hôm trước đã lau dọn miếu thờ thành hoàng bản thổ, thờ danh tướng Dương Tự Minh và chuẩn bị bếp núc để hôm sau chế biến lễ vật được tươm tất, chu đáo”.

Ngày lễ cơm mới, mỗi hộ dân trong tổ cử đại diện tham gia hậu cần và phục vụ, phụ nữ đảm nhiệm bếp núc, nam giới phụ trách chuẩn bị các mâm lễ, phục vụ quá trình làm lễ ở đình và miếu của xóm. Sau khi làm lễ xong, người dân đưa các mâm lễ cúng về nhà văn hóa để cùng thụ lộc.

Xóm Trung Thần, xã Hóa Trung có 183 hộ, gần 800 nhân khẩu với 97% người dân tộc Sán Dìu được sáp nhập 2 xóm Cầu Mánh và xóm Trung Thần năm 2018. Hiện, Trung Thần là một xóm với 2 cụm dân cư Cầu Mánh và Trung Thần vẫn duy trì sinh hoạt tín ngưỡng tại 2 đình Cầu Mánh và Trung Thần như trước đây.

Lễ vật được dâng cúng tỏ lòng biết ơn thần linh, thành hoàng, tổ tiên phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Lễ vật được dâng cúng tỏ lòng biết ơn thần linh, thành hoàng, tổ tiên phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Đoàn kết cộng đồng

Ngày nay, lễ cơm mới không chỉ mang ý nghĩa dâng những “hạt ngọc” quý biết ơn thần linh, tổ tiên do bà con gieo cấy trong năm mà còn là điểm tựa tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết trong đồng bào Sán Dìu với các dân tộc khác, đoàn kết làng xã, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu gìn giữ truyền thống, đoàn kết, hộ trợ nhau để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồng bào dân tộc Sán Dìu gìn giữ truyền thống, đoàn kết, hộ trợ nhau để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lợi Ngô Văn Chuyền, lễ cơm mới là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của bà con dân tộc Sán Dìu, thể hiện tinh thần đoàn kết trong đồng bào, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xóm Trung Thần, xã Hóa Trung, có 183 hộ, đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo và cận nghèo; xóm Trại Gião, xã Nam Hòa có 197 hộ dân thì đến nay chỉ còn 9 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5% số hộ. Xã Nam Hòa có đông người dân tộc Sán Dìu nhất huyện Đồng Hỷ, đời sống kinh tế, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Đồng Hỷ có đông đồng bào Sán Dìu, hầu hết đường vào các xóm trên địa bàn huyện đều được bê-tông hóa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng Hỷ có đông đồng bào Sán Dìu, hầu hết đường vào các xóm trên địa bàn huyện đều được bê-tông hóa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Lễ cơm của đồng bào dân tộc Sán Dìu đã hình thành từ bao đời, trải qua nhiều biến động về kinh tế, xã hội, chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính, cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng, nhưng ngày nay văn hóa, tín ngưỡng này vẫn được đồng bào giữ gìn, bảo tồn, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn từ bao đời.

THẾ BÌNH- ÁNH NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-com-moi-cua-dong-bao-san-diu-o-dong-hy-post839054.html