Lan tỏa lối sống xanh

Tại buổi tọa đàm chủ đề 'Xuất bản xanh-Kiến trúc xanh hướng đến Net Zero' do Công ty Công nghệ Kiến trúc xanh Việt Nam phối hợp với Đường sách TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ: 'Nguồn phát thải CO2 từ các công trình kiến trúc đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong những yếu tố làm gia tăng lượng khí nhà kính. Trước đây, kiến trúc chỉ tư duy nhiều về thiết kế, xây dựng nhưng đến giai đoạn Net Zero Carbon thì phải có tư duy mới'.

Cho nên, các chủ đầu tư xây dựng cần cân nhắc trên tư duy Net Zero Carbon trước khi quyết định lựa chọn giữa xây mới hay cải tạo, tính đến hiệu quả sử dụng công trình, vấn đề tái sử dụng sau một vòng đời của công trình. Còn đối với kiến trúc sư, thiết kế phải hướng đến chọn giải pháp hình khối, kết cấu để giảm khối lượng bê tông, tường xây vì công trình tầng thấp và ít tầng hầm sẽ có lượng phát thải carbon hiện thân thấp hơn nhờ giảm khối lượng bê tông; đồng thời chọn lựa trang thiết bị phải tính đến vòng đời của công trình, chấp nhận giảm bớt thành phần kiến trúc ít công năng dù có giá trị thẩm mỹ.

Cuốn sách “Chang hoang dã-Gấu” định hướng người đọc lối sống xanh. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Cuốn sách “Chang hoang dã-Gấu” định hướng người đọc lối sống xanh. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Cụm từ “sống xanh” xuất hiện ở Việt Nam chỉ thực sự “nở rộ” từ khoảng 5 năm trở lại đây. Thời điểm đó, các dòng sách sống xanh bắt đầu được quan tâm và xuất bản. Khuynh hướng xanh trong hoạt động xuất bản cũng đang “mở cửa” xét và trao giải cho các tác phẩm có nội dung tập trung vào môi trường, thiên nhiên và hướng đến đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Điều này hoàn toàn phù hợp, đúng với 5 phạm trù nội dung góp phần phát triển tri thức cho người đọc, đặc biệt là trẻ em mà Hội Xuất bản Việt Nam xác định: Trí tuệ phát triển, đạo đức tốt, giá trị sống cao đẹp, thói quen tinh thần tốt và tình cảm, ý chí tích cực. Trong đó, nội dung “đạo đức tốt” hướng đến việc con người không chỉ sống tử tế với con người mà còn với môi trường và các loài vật xung quanh.

Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP Hồ Chí Minh, các dòng sách văn học cho thiếu nhi gần đây được quan tâm và đoạt giải thưởng cao. Có thể kể đến như: “Chang hoang dã-Gấu” về bảo tồn động vật hoang dã, đoạt giải A và “Loài plastic” truyền tải câu chuyện về tác hại của rác thải nhựa, đoạt giải B của Giải thưởng Sách quốc gia lần IV. Gần đây nhất là tác phẩm “Cá Linh đi học” gửi gắm thông điệp hãy sống bình đẳng và bảo vệ thiên nhiên, đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

“Bức tranh tươi sáng” và “hiệu quả không nhỏ” là nhìn nhận của những nhà làm sách khi nói về những cơ hội cho ngành xuất bản từ dòng sách xanh. Ông Văn Thành Lê, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để cạnh tranh với các dòng sách mang tính “mùa vụ” khác thì dòng sách sống xanh rất khó tạo ra kiểu “bestseller”, nhưng nếu định hình tính bền vững của dòng sách sống xanh sẽ góp phần chuyển biến tư duy một thế hệ mới. Đơn vị này tập trung khai thác các tác phẩm của tác giả trong nước có sự tiếp cận đề tài theo dòng chảy tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Các tác giả đều có trải nghiệm cá nhân hoặc trực tiếp tham gia các dự án xanh ở Việt Nam nên sau khi xuất bản, các tác phẩm có tính lan tỏa rất tốt.

Từ những góc nhìn thực tế tới cụ thể hóa hành động của ngành xuất bản, kiến trúc cho thấy sự đồng lòng hướng tới việc xanh hóa, nhưng để có thể đi được đường dài cần một sự cộng hưởng của nhiều các ngành nghề trong xu hướng xanh chung của toàn cầu.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lan-toa-loi-song-xanh-5026523.html