Kỷ nguyên hồi sinh của nông thôn Trung Quốc nhờ 'vàng kỹ thuật số'

Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện nay, vùng nông thôn Trung Quốc đang nổi lên như một tâm điểm không thể ngờ tới của các nội dung truyền thông xã hội.

Một người nông dân đang quảng bá khoai môn qua livestream trên một cánh đồng ở Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 9/9/2024. Ảnh: NurPhoto/Getty Images

Một người nông dân đang quảng bá khoai môn qua livestream trên một cánh đồng ở Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 9/9/2024. Ảnh: NurPhoto/Getty Images

Tại một vùng quê yên tĩnh của Vân Nam, Dong Meihua – với tài khoản là Dianxi Xiaoge – đã làm được một điều đáng chú ý: Cô đã mang sự giản dị của vùng nông thôn Trung Quốc và khiến nó trở nên hấp dẫn đối với hàng triệu người. Trong tay cô, một căn bếp làng quê trở thành sân khấu, và nhịp điệu của cuộc sống nông trại trở thành một câu chuyện hấp dẫn như một cuốn tiểu thuyết ăn khách. Xiaoge chỉ là một trong nhiều influencer (người có sức ảnh hưởng) ở nông thôn đang tìm về với cội nguồn của họ.

Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện nay, vùng nông thôn Trung Quốc đang nổi lên như một tâm điểm không thể ngờ tới của các nội dung truyền thông xã hội. Xiaoge là một trong số hàng nghìn influencer đang định nghĩa lại cái nhìn về vùng nông thôn thông qua truyền thông xã hội.

Lật đổ những quan niệm cố hữu rằng nông thôn Trung Quốc là vùng đất xa xôi của nghèo đói và trì trệ, thế hệ chuyên gia truyền thông xã hội mới này đang phục vụ một bữa tiệc hạnh phúc đồng quê cho hàng triệu người dân thành thị. Đây là một sự thay đổi được chính quyền khuyến khích. Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ những người có sức ảnh hưởng quảng bá hình ảnh nông thôn đẹp như tranh vẽ. Việc làm như vậy giúp giảm bớt hố sâu ngăn cách thành thị - nông thôn và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nó cũng phù hợp với chiến lược phục hồi nông thôn của Bắc Kinh.

Khó khăn để phục hồi

Để đánh giá đầy đủ bất kỳ hiện tượng nào, trước tiên cần phải xem xét bối cảnh lịch sử. Trong nhiều thập kỷ, vùng nông thôn của Trung Quốc đồng nghĩa với khó khăn và lạc hậu. Trong khi đó, hệ thống hộ khẩu, vốn gắn chặt phúc lợi xã hội với nơi sinh của một người từ cuối những năm 1950 và chia công dân thành tình trạng cư trú "nông nghiệp" và "phi nông nghiệp", đã tạo ra sự chia rẽ rõ rệt giữa công dân thành thị và nông thôn.

Kỷ nguyên cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình, bắt đầu từ năm 1978, đã mang đến những thách thức mới. Khi các thành phố của Trung Quốc bùng nổ kinh tế, thì vùng nông thôn lại tụt hậu.

Hàng triệu người Trung Quốc ở nông thôn đã di cư đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, khiến nông thôn trở thành khu vực dân số già với các cộng đồng bị “khoét rỗng”. Năm 1980, 19% dân số Trung Quốc sống ở các khu vực thành thị. Đến năm 2023, con số đó đã tăng lên 66%.

Kể từ đó, nhiều chính sách của chính phủ đã hướng đến các khu vực nông thôn. Việc bãi bỏ thuế nông nghiệp vào năm 2006 báo trước một cột mốc quan trọng, thể hiện cam kết đổi mới đối nhằm gây dựng sự thịnh vượng cho nông thôn. Gần đây nhất, công cuộc "phục hồi nông thôn" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa phát triển nông thôn lên hàng đầu trong chính sách quốc gia. Việc ra mắt sáng kiến “Internet Plus Agriculture” (Internet cộng Nông nghiệp) và đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử nông thôn như Taobao Villages cho phép các cộng đồng nông dân biệt lập kết nối với các thị trường thành thị.

Dianxi Xiaoge trong video về cuộc sống ở nông thôn. Ảnh: The Conversation

Dianxi Xiaoge trong video về cuộc sống ở nông thôn. Ảnh: The Conversation

Nhưng bất chấp những nỗ lực này, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc vẫn còn đáng kể, với thu nhập khả dụng bình quân đầu người hàng năm của các hộ gia đình nông thôn là 21.691 nhân dân tệ (khoảng 3.100 USD), chỉ bằng khoảng 40% so với các hộ gia đình thành thị.

Xuất hiện các “nông dân mới”

Những người nông dân và cư dân nông thôn am hiểu công nghệ đã tận dụng những khung cảnh hoài cổ và tính xác thực để chiếm được cảm tình của mạng xã hội Trung Quốc. Những "ngôi sao vlog" như Lý Tử Thất và Điền Tây Tiểu Ca đã thu hút được lượng người theo dõi khổng lồ khi họ miêu tả vùng nông thôn Trung Quốc vừa là nơi nghỉ ngơi lý tưởng vừa là những trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc.

Thuật ngữ tiếng Trung cho hiện tượng truyền thông xã hội này là "nông dân mới". Thuật ngữ này để chỉ sự nổi lên của những người nổi tiếng ở nông thôn, những người sử dụng các nền tảng như Douyin và Weibo để ghi lại và thương mại hóa lối sống của họ. Có thể lấy ví dụ với “Chị Yu”: Với hơn 23 triệu người theo dõi, “Chị Yu” thể hiện nét quyến rũ mộc mạc của vùng đông bắc Trung Quốc qua quá trình chuẩn bị và nấu những bữa ăn đặc sắc. Hay Peng Chuanming: một nông dân ở Phúc Kiến có video về cách chế biến trà truyền thống và khôi phục lại ngôi nhà của mình, thu hút hàng triệu người.

Từ năm 2016, các nền tảng truyền thông xã hội đã biến cuộc sống nông thôn thành “vàng kỹ thuật số”, một hiện tượng thu hút lượng khán giả khổng lồ, không chỉ được thúc đẩy bởi nỗi nhớ quê hương mà còn là nhu cầu kinh tế. Suy thoái kinh tế hậu COVID-19 của Trung Quốc, được đánh dấu bằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt và cơ hội ở thành thị giảm dần, đã thúc đẩy một số người tìm kiếm sinh kế ở nông thôn.

Dianxi Xiaoge trong một cảnh quay gia đình nông thôn đầm ấm, mộc mạc. Ảnh: The Conversation

Dianxi Xiaoge trong một cảnh quay gia đình nông thôn đầm ấm, mộc mạc. Ảnh: The Conversation

Các influencer ở nông thôn phục vụ những lát cắt của cuộc sống mà nhiều người nghĩ rằng đã mất đi trong sự phát triển chóng mặt của Trung Quốc. Họ khai thác chủ nghĩa lãng mạn văn hóa và khao khát kết nối với thiên nhiên.

Ngoài ra, nội dung của họ cũng tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng video ngắn như Kuaishou và Pinduoduo, tăng cường phạm vi tiếp cận lên một nhóm nhân khẩu học rộng, từ những người đã nghỉ hưu hoài niệm đến những công dân thế hệ thiên niên kỷ đầy ý thức về môi trường.

Nhưng đây không chỉ đơn thuần là sự thoát ly kỹ thuật số đối với quần chúng. Du lịch đang bùng nổ ở những ngôi làng từng bị lãng quên. Các nghề thủ công truyền thống đang tìm kiếm thị trường mới. Chỉ riêng trong năm 2020, Taobao Villages đã báo cáo doanh số đáng kinh ngạc là 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 169,36 tỷ USD).

Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng. “Khôi phục nông thôn” hiện là cụm từ thông dụng trong các quan chức chính phủ. Đây là một chiến thắng đôi bên cùng có lợi: Dân làng có cơ hội kinh tế và nhà nước thì bảo vệ được các giá trị truyền thống. Các quan chức chính phủ thậm chí đã tận dụng các nền tảng như X để giới thiệu những nỗ lực phục hồi nông thôn của Trung Quốc tới quốc tế.

Xu hướng nông dân mới là cơ hội để thách thức câu chuyện lấy đô thị làm trung tâm - vốn đã thống trị câu chuyện phát triển của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Quan trọng hơn, nó đang thu hẹp khoảng cách văn hóa vốn từ lâu đã chia cắt cư dân nông thôn và thành thị của Trung Quốc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Conversation)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ky-nguyen-hoi-sinh-cua-nong-thon-trung-quoc-nho-vang-ky-thuat-so-20241026192902417.htm