Hồ tiêu tìm hướng xuất khẩu bền vững

Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu nổi tiếng hàng đầu thế giới, khi chiếm hơn 40% về sản lượng và hơn 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Song sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô.

Giảm mạnh về giá trị do cung vượt cầu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: 3 năm trở lại đây, giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục do nguồn cung vượt cầu khiến giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng “tụt dốc”. Nếu như năm 2016, sản lượng hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hồ tiêu đạt kỷ lục hơn 1,42 tỷ USD, tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015 thì những năm sau đó, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại đều theo chiều đi xuống. Cụ thể, năm 2017, cả nước xuất khẩu được khoảng 214.000 tấn nhưng giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016; năm 2018, xuất khẩu được 232.000 tấn, giá trị đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1% về giá trị.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp, khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Nhu cầu thế giới hiện có khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: Năm 2019 tiếp tục được đánh giá là năm rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam. Trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017. Đây cũng là lý do trong 8 tháng năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.

Thực tế cho thấy, sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được đánh giá chưa bền vững chủ yếu do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, không theo quy hoạch. Năm 2010, cả nước có 51,3 nghìn héc-ta, đến hết năm 2018 có 149,8 nghìn héc-ta, vượt quy hoạch phát triển ngành gần 100 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Cơ hội mở rộng thị trường từ các FTA

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Đối với mặt hàng hồ tiêu, trong số các nước tham gia Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan, gồm: Australia, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước tham gia CPTPP, chỉ Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, có thể nói hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước tham gia CPTPP (đặc biệt là đối với 3 nước chưa có hiệp định thương mại nào với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru). Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế 5-9%).

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Nam Hải: Để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác. Đặc biệt, các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, trên thực tế, giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt, do đó, để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Do vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Đánh giá của nhiều chuyên gia cho rằng, về dài hạn, ngành hạt tiêu nước ta còn nhiều dư địa phát triển. Để giải quyết vấn đề mất cân đối cung cầu trong sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu, ngành hồ tiêu Việt Nam cần phát triển chuỗi cung ứng hạt tiêu bền vững, nâng cao chuỗi giá trị, chế biến, xuất khẩu hạt tiêu gắn với vùng nguyên liệu; giải quyết vấn đề sử dụng hóa chất nông nghiệp, quản lý các loại dịch bệnh cây tiêu; nâng tỷ lệ tiêu trắng, tiêu bột xuất khẩu. Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để làm thực phẩm thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác cần phải được tính đến, bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tieu-tim-huong-xuat-khau-ben-vung-591735