Hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế nhiều hơn
Lao động yếu thế là những người gặp khó khăn hơn người khác trong tìm được việc làm, hoặc có được việc làm nhưng thu nhập thấp hơn người làm công việc tương tự, hoặc dễ bị mất việc khi có sự sắp xếp lại bộ máy... Họ bao gồm các nhóm người: di cư, nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Về lao động di cư về các đô thị, họ vốn ít có mối liên hệ với nơi họ đang sống (người thân, nhà cửa, các mối quan hệ khác...). Đây là nguồn lao động đáng kể nhưng cuộc sống của họ khá bấp bênh, công việc không thực sự ổn định. Nhóm lao động nghèo thường bao gồm cả lao động trẻ em, lao động “công nhật”, người tái hòa nhập cộng đồng... là những người chịu áp lực lớn trong ngắn hạn về các nhu cầu tối thiểu như ăn, ở, chi phí sinh hoạt...
Với những người này, tư liệu lao động thường chỉ là sức lao động thô (làm các công việc ít đòi hỏi tay nghề, kỹ năng) nên khả năng tìm được việc làm bị hạn chế và gặp nhiều rủi ro. Lao động là người dân tộc ít người thường bị hạn chế về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp cũng như tính thích nghi với đời sống mới. Tay nghề, mức độ phát triển... cũng là những điểm yếu cho sự gắn kết của họ với công việc. Cuối cùng, người khuyết tật rõ ràng là đối tượng yếu thế dễ thấy nhất.
Với các nhóm lao động nêu trên, tỷ lệ lao động yếu thế vào năm 2017 được cho là vào khoảng 25%(1). Đây là con số không nhỏ bởi nó tương ứng với hàng triệu người và phía sau họ là hàng triệu người khác.
Nhìn rộng hơn, lao động yếu thế còn có thể kể tới những người lao động có trình độ học vấn thấp, người lớn tuổi, người từng bị sa thải...
Một thống kê năm 2018 cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (được cấp bằng/chứng chỉ) chỉ là 22,22%(2). Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo ước đạt 58,6%(3), nhưng một số chuyên gia cho là chưa có cơ sở(4). Trong số lao động chưa qua đào tạo chắc chắn có nhiều người chỉ mới đạt trình độ học vấn biết đọc biết viết chứ chưa có nền tảng kiến thức cơ bản nên rất khó tiếp cận việc làm, hoặc chỉ được phân công những công việc giản đơn với thu nhập thấp, hoặc dễ bị sa thải nếu có người lao động tốt hơn thay thế.
Còn với người lao động lớn tuổi, họ tuy có kinh nghiệm, nhưng ít sáng tạo, thậm chí là... “khó bảo” nên ít được ưu tiên lựa chọn. Do đó, những người trên 40 tuổi bị mất việc thường khó tìm được việc làm, hoặc phải chấp nhận làm những việc trái tay, thu nhập thấp, nhất là với những người không có trình độ tay nghề cao. Cuối cùng, những người từng bị sa thải hẳn cũng ít được lựa chọn. Nếu cộng cả hai nhóm lao động này thì tỷ lệ lao động yếu thế sẽ còn lớn hơn nhiều và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, năng suất, hiệu quả của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Theo tôi, tính yếu thế sẽ giảm đi nhiều nếu có sự can thiệp phù hợp. Chẳng hạn với lao động di cư. Nếu như họ được tạo việc làm, đủ sống ở ngay tại quê hương mà không cần phải di cư chỉ để mưu sinh thì hẳn họ sẽ không trở thành nhóm lao động yếu thế.
Thiết nghĩ các địa phương cần phải thống kê đầy đủ từng loại lao động trên địa bàn và có giải pháp sử dụng lao động gắn với chiến lược phát triển kinh tế địa phương một cách phù hợp, như các tổ hợp kinh tế gia đình. Thu nhập tại chỗ có thể thấp hơn so với đi làm ăn xa nhưng người lao động không tốn chi phí thuê nhà, đi lại, không bị “sốc văn hóa”... Ngoài ra, tăng cường đào tạo nghề cũng là cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lao động yếu thế, trực tiếp hay gián tiếp. Hiện gần như chưa có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhóm lao động là người lớn tuổi, người nghèo... Nên chăng cần yêu cầu các tổ chức có trách nhiệm quan tâm họ nhiều hơn bằng những quy định, chứ không phải hỗ trợ được đến đâu thì hay đến đó như lâu nay?
(1) https://nld.com.vn/cong-doan/be-tac-lao-dong-yeu-the-20170731221957664.htm
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/lao-dong-co-viec-lam-va-lao-dong-qua-dao-tao-co-chung-chi-tang-len-675823.ldo
(3) http://www.molisa.gov.vn/vi/pages/chitiettin.aspx?IDNews=29190
(4) http://dangcongsan.vn/xa-hoi/khong-bia-so-lieu-ve-ty-le-lao-dong-qua-dao-tao-500956.html
Trịnh Minh Giang