Hòa Bình nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Qua đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mà còn đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ

Xuất phát điểm là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản, đồng bộ. Nhiều chương trình, dự án triển khai trên địa bàn đã tập trung phần lớn nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một điển hình.

Tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Bên cạnh ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các Chương trình MTQG xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ theo cơ chế Nghị quyết số 30a/2008/NQ/CP;… các sở, ngành đã tham mưu cho tỉnh tổ chức thực hiện một số chính sách đặc thù. Trong đó phải kể đến Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu; Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, xóm khó khăn nhất tỉnh, phạm vi nằm trên địa bàn 8 huyện và thành phố Hòa Bình... Từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK đã tạo điều kiện giúp người dân có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình BÙI VĂN KHÁNH

Nhờ được hưởng lợi từ các chương trình, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã miền núi Toàn Sơn (huyện Đà Bắc) đã có sự thay đổi toàn diện. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Viết Thạch, nhờ sự quan tâm của cấp trên, xã đã được đầu tư nhiều công trình, dự án quan trọng, nhất là việc bê tông hóa, nhựa hóa, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn đã giúp việc giao thương của người dân được thuận lợi hơn. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ở một số địa bàn vùng thuận lợi hơn như Mai Hạ, Tòng Đậu, Chiềng Châu (huyện Mai Châu), mạng lưới giao thông nông thôn, miền núi cũng được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn vốn lồng ghép xây dựng NTM. Qua đó, các xã đã có hệ thống giao thông cơ bản đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, việc huy động, khơi dậy tiềm lực trong Nhân dân đầu tư phát triển giao thông nông thôn cũng được các cấp ủy Đảng, chính quyền coi trọng, nhất là vận động bà con hiến đất làm đường, tự khắc phục hậu quả lũ bão đối với các công trình hư hỏng do thiên tai. Tính riêng năm 2021, toàn huyện Mai Châu đã huy động nguồn lực gần 115,5 tỷ đồng để phát triển giao thông nông thôn, ưu tiên thực hiện tiêu chí số 2 trong xây dựng NTM, trong đó, trên 17,1 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 63,2 tỷ đồng ngân sách tỉnh, 33,9 tỷ đồng ngân sách huyện và 1,2 tỷ đồng ngân sách xã.

Những năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã từng bước được nhựa hóa, bê tông hóa. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, mà còn góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như hỗ trợ cho việc thực hiện các tiêu chí khác của Chương trình.

Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông thì thông qua thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đầu tư, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh nói chung, ở vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK nói riêng đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 65/129 xã đạt chuẩn NTM. Xã thuộc diện khu vực ĐBKK còn 39%/tổng số xã, phường, thị trấn; giảm 29 xã so với năm 2017. Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK còn khoảng 23%.

Tuy nhiên, theo thông tin của Ban Dân tộc tỉnh, thu nhập bình quân đầu người tại các xã ĐBKK chưa bằng 1/2 so với mức bình quân chung của tỉnh. Nếu so với kết quả giảm nghèo của cả tỉnh thì tình trạng hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu... Từ thực tế này, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho vùng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo cho biết: Để Chương trình mục tiêu quốc gia đạt được kết quả cao nhất, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm xác định rõ thực trạng của vùng. Từ đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, xác định nhu cầu kinh phí, giải pháp thực hiện, trong đó ưu tiên đầu tư cho các xã khu vực ĐBKK.

Cùng với đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là vấn đề giao thông nông thôn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc. Đồng thời sắp xếp bố trí dân cư ở những nơi thường xuyên xảy ra lũ bão, thiên tai để đồng bào ổn định đời sống, có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Nhằm tạo sức bật cho vùng DTTS và miền núi và để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3043/QĐ-UBND phê duyệt đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án 9.693,875 tỷ đồng. Được biết, trong 10 dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho bà con vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/hoa-binh-no-luc-thu-hep-khoang-cach-phat-trien-giua-cac-vung-mien-i296260/