Hóa chất Đức Giang (DGC) hưởng lợi từ nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu tăng tốc
Doanh thu từ mảng phốt pho vàng của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) đã tăng gần 9% trong quý 3 vừa qua và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong những quý tới.
Trong quý 3 vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.558 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ mảng phốt pho vàng tăng trưởng gần 9% nờ nhu cầu mạnh hơn của các khách hàng lớn.
Tuy nhiên, do 01 lò phốt pho vàng phải sửa chữa trong kỳ, mức độ tự cung quặng apatit giảm dưới tác động của bão Số 3 (Yagi), và chi phí logistics tăng mạnh, lãi ròng của Hóa chất Đức Giang trong kỳ đã giảm khoảng 7%, còn 705 tỷ đồng.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, kết quả kinh doanh nói chung và mảng phốt pho vàng nói riêng của Hóa chất Đức Giang sẽ cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới khi thị trường chất bán dẫn toàn cầu tăng tốc và nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại Ấn Độ gia tăng.
Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất chất bán dẫn, khoảng 30% doanh thu của Hóa chất Đức Giang đang phụ thuộc vào lĩnh vực này. Mới đây World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) đã nâng dự báo tăng trưởng thị trường bán dẫn toàn cầu trong năm nay lên mức 16% trong bối cảnh loạt doanh nghiệp chất bán dẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý gần nhất.
Năm 2025, WSTS dự báo tăng trưởng thị trường sẽ đạt 12,5%. Các khu vực châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng hai chữ số trong năm sau.
Theo đó, Chứng khoán MB nhận định sản lượng phốt pho vàng và axit photphoric (làm từ phốt pho vàng) của Hóa chất Đức Giang sẽ tăng trưởng hơn 16% trong năm 2025. Đồng thời, với việc nhu cầu được cải thiện, giá phốt pho vàng dự kiến sẽ tăng gần 5% trong năm sau.
Ước tính mảng phốt pho vàng và axit photphoric sẽ đem về cho Hóa chất Đức Giang khoản doanh thu gần 7.300 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 16,5% so với mức ước tính của năm nay. Đặc biệt, thay vì xuất khẩu phốt pho vàng thô, Hóa chất Đức Giang đang dần chuyển đổi sang các sản phẩm giá trị cao, điển hình như axit photphoric LCD.
Hóa chất Đức Giang cho biết, sản phẩm axit cấp điện tử của tập đoàn hiện nay đã đáp ứng yêu cầu sử dụng cho sản phẩm màn hình LCD nhưng chưa dùng sang sản xuất chất bán dẫn, và tập đoàn đang nghiên cứu thêm về loại dùng cho chất bán dẫn.
Đối với nhu cầu sản xuất nông nghiệp, Ấn Độ hiện là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 25% doanh thu xuất khẩu của Hóa chất Đức Giang. Ấn Độ nhập khẩu phốt pho vàng và các sản phẩm liên quan để sản xuất phân bón, thuốc diệt cỏ. Do thiếu quặng apatit, trong khi nhu cầu nông nghiệp cao, Ấn Độ là nước nhập khẩu phốt pho vàng lớn nhất thế giới.
Chứng khoán MB đánh giá, thị trường phân bón Ấn Độ đang dần sôi động trở lại khi sản lượng phân lân trong tháng 7 - tháng 8/2024 lần lượt tăng 3,2% và 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định tăng tiền trợ cấp đối với mặt hàng phốt phát trong hoạt động sản xuất phân bón nhằm giảm giá phân bón cho nông dân. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu phân bón, kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu phốt pho vàng.
Tuy nhiên, Chứng khoán MB cũng lưu ý, sản phẩm phốt pho vàng của Hóa chất Đức Giang xuất khẩu sang Ấn Độ là thuộc phân khúc thấp.
Hiện Hóa chất Đức Giang đang lên kế hoạch mở rộng Khai trường 25 tại Lào Cai nhằm tăng tỷ lệ quặng apatit tự khai thác, từ đó tiết giảm chi phí sản xuất và mở rộng biên lợi nhuận.
Chi phí quặng hiện đang chiếm khoảng 60% tổng chi phí nguyên vật liệu sản xuất của Hóa chất Đức Giang. Nếu kế hoạch trên được triển khai thành công, tỷ lệ quặng tự khai thác của tập đoàn này sẽ tăng từ mức 80% hiện nay lên 90% vào năm 2025.