Họa sĩ minh họa Pan: 'Kể chuyện qua tranh vẽ'

Những yếu tố nào một họa sĩ vẽ minh họa cần phải có? Liệu học trái ngành có theo đuổi được công việc vẽ minh họa không?… Đây chỉ là một trong rất nhiều những câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đặt ra cho mình. Là một nghệ sĩ trẻ đã từng loay hoay trong việc lựa chọn con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi, Nguyễn Phương An (được biết đến với tên gọi Pan) chia sẻ về cách vượt qua những khó khăn để theo đuổi niềm đam mê vẽ minh họa của mình.

Pan đang theo học tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Pan đang theo học tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Bạn đã đến với công việc vẽ minh họa như thế nào?

Mình lớn lên với rất nhiều cuốn sách có tranh minh họa đẹp mà mẹ mình mua cho mỗi dịp cuối tuần, như là một phần thưởng. Mình là một đứa trẻ thích vẽ và quan sát. Trong thời gian đi học, mình luôn có sẵn một quyển sổ vẽ trong balo, như một dạng nhật kí. Tuy nhiên, phải đến cuối năm cấp ba, mình mới quyết định rằng mình sẽ làm họa sĩ một cách nghiêm túc, nên sau đó đã chọn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để theo học.

Hồi còn non nớt, mình nghĩ nghệ thuật như một thứ rất khủng khiếp. Bố mình còn là một nhà thiết kế đồ họa, nên theo một cách nào đó mình có ấn tượng nôm na rằng nghệ thuật là “những bức tranh to đắt tiền trong phòng trưng bày nghệ thuật” hoặc là “thiết kế trên máy tính".

Sau này mình mới hiểu được nghệ thuật rất rộng lớn và đa dạng, thậm chí rất gần gũi và dành cho tất cả mọi người. Lúc mình biết đến vẽ minh họa và tìm hiểu kỹ thì đó là một giây phút rất phấn khởi, như tìm được chính mình vậy.

Để mô tả về công việc vẽ minh họa, bạn sẽ nói gì?

Để mô tả về công việc vẽ minh họa, bạn sẽ nói gì?

Với tư cách là một họa sĩ rất trẻ mới vào nghề, mình nghĩ công việc vẽ minh họa là sự kết hợp giữa tư duy và cảm xúc, gần như là một công việc não trái cộng với não phải vậy. Trong vẽ minh họa, yếu tố kể chuyện là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc vẽ cho tranh đẹp, công việc còn đòi hỏi mình phải liên tục trao đổi và học hỏi thêm với khách hàng.

Việc vẽ đề cao sự phù hợp và tính kể chuyện. Nếu lấy câu chuyện làm trục xoay thì có thể thấy rằng, có muôn hình vạn trạng những hình thức thể hiện và phong cách khác nhau. Tính đa dạng cũng là một điều mình rất yêu ở công việc này.

Vậy đâu là nét vẽ mà Pan theo đuổi?

Mở rộng thêm về tính “đa dạng” trong câu trả lời ở trên của mình, mình không nghĩ rằng có một nét vẽ cố định mà mình muốn theo đuổi. Đối với mỗi dự án, mình luôn đề cao câu chuyện mình muốn kể, vậy nên mình luôn tìm tòi những cách thể hiện và sáng tạo khác nhau.

Lúc mới chập chững vào nghề, mình may mắn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các anh chị lớn hơn. Người gần gũi và giúp đỡ mình nhiều nhất là họa sĩ Jeet Zdung Nguyễn, mà mình vẫn gọi là anh Dít, vì anh là người có trái tim và nguồn năng lượng giàu có nhất mà mình từng gặp.

Bên cạnh tài năng và sự kỷ luật trong sáng tạo, anh Jeet dạy mình rất nhiều về tình yêu thiên nhiên và khiến mình luôn mong muốn đóng góp một thứ gì đó. Thời gian mình làm phụ tá minh họa cho anh trong cuốn sách Chang hoang dã – Gấu chó, được xuất bản bởi NXB Kim Đồng là quãng thời gian thật sự rất vất vả, nhưng với mình nó rất vui, vì đây cũng là thời điểm mình cảm thấy được truyền cảm hứng và động lực nhiều nhất.

Tiếp nối câu chuyện cảm hứng vừa rồi, bạn thường làm gì để tìm kiếm ý tưởng cho tác phẩm minh họa của mình?

Thường thì ý tưởng và cảm hứng hay đến với mình một cách bất chợt. Lúc nghe một bản nhạc văng vẳng khi đi bộ qua con ngõ, hay khi thấy ngoài ban công đã đến mùa thay lá,…

Âm nhạc là một phần rất lớn về con người mình. Mình nghe gần như tất cả mọi thể loại nhạc và có một bộ sưu tập đĩa CDs nho nhỏ do mình đã “gom góp” được trong nhiều năm. Gần đây, mình hay nghe Debussy để làm việc. Bên cạnh đó, mình cũng thích đi du lịch và luôn dành một khoản tiết kiệm cho việc du lịch và khám phá.

Mình cũng có thói quen ghi chép rất thường xuyên. Có một câu nói mình học được có viết rằng “Never think without a pencil”, bất cứ ý tưởng nào dù thoáng qua mình đều ghi chép lại. Mình cũng cực kỳ thích ký họa, dù đi café, đi chơi hay hôm đi tiêm vaccine, mình cũng đều cầm theo một quyển sổ A5 để vẽ ký họa khi có thời gian rảnh…

Cảm hứng cũng xuất hiện khi mình nhìn ngắm thành phố Hà Nội mà mình đang sống. Do đó những hình ảnh phố phường, kiến trúc của thành phố cũng xuất hiện nhiều trong những bức tranh mà mình vẽ.

Đây là series một loạt hình nghiên cứu thực vật mà Pan đã vẽ trong thời gian làm trợ lý minh họa cho tác giả, họa sĩ Jeet Dzung Nguyễn, cuốn sách mang tên “Chang hoang dã – Gấu“.

Đây là series một loạt hình nghiên cứu thực vật mà Pan đã vẽ trong thời gian làm trợ lý minh họa cho tác giả, họa sĩ Jeet Dzung Nguyễn, cuốn sách mang tên “Chang hoang dã – Gấu“.

Các bức vẽ cá nhân của Pan đều mang màu sắc rực rỡ và thân thiện. Bạn có thể chia sẻ thêm về phong cách vẽ tự do mà mình theo đuổi?

Các bức vẽ cá nhân của Pan đều mang màu sắc rực rỡ và thân thiện. Bạn có thể chia sẻ thêm về phong cách vẽ tự do mà mình theo đuổi?

Mình rất muốn theo đuổi vẽ minh họa cho sách trẻ em vì mình thích kể chuyện. Bản thân mình tin rằng, những cuốn sách và câu chuyện hay đóng góp rất nhiều trong quá trình giáo dục, đặc biệt là với trẻ em – tương lai của thế giới.

Về phong cách minh họa của mình có lẽ nên dùng từ thân thiện, dễ tiếp cận và dễ thương. Bên cạnh đó, mình cũng muốn thử nghiệm nhiều hơn với hội họa và các chất liệu khác nhau.

Là một trong những người trẻ làm nghệ thuật, có khi nào bạn rơi vào tình trạng áp lực đồng trang lứa - một trong những loại áp lực mà các bạn trẻ đang phải đối mặt?

Khi nói về áp lực đồng trang lứa, mình nghĩ là có và cũng không hẳn. Có vì mình theo dõi và có cơ hội được ở trong một môi trường với rất nhiều bạn trẻ tài năng và nhiệt huyết, mình nghĩ khá khó để không nhìn xung quanh và so sánh bản thân. Tuy nhiên mình nghĩ rằng, tất cả những gì chúng ta thấy bề ngoài chỉ là phần nổi của một tảng băng lớn, và mọi người đều đang rất nỗ lực phấn đấu theo nhịp độ của riêng mình.

Vậy nên mình sẽ không xem đó là áp lực, mà như là một nguồn cảm hứng và động lực nhiều hơn. Quan trọng là luôn biết cầu tiến trong công việc và làm việc lâu dài, chứ không nên áp lực rằng bản thân phải có những thành tựu lớn từ quá sớm.

Mình chỉ là một hạt đậu rất nhỏ trên con đường mình theo đuổi. Còn với những bạn đang muốn theo đuổi với nghề này, mình nghĩ là “Hãy thử xem sao!”. Mình nghĩ vẽ tranh minh họa ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và ngày càng có rất nhiều các bạn họa sĩ trẻ tài năng. Có rất nhiều diễn đàn và cộng đồng dành cho những bạn trẻ như mình có thể chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Nếu bạn có tình yêu hoặc đơn giản là tò mò về nghề, hãy tìm hiểu kỹ và thử nó.

Cảm ơn Pan về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn sẽ sắp tới sẽ có thật nhiều tác phẩm độc đáo và luôn sống với ước mơ của mình!

Thu Phương - Ngọc Trâm

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoa-si-minh-hoa-pan-ke-chuyen-qua-tranh-ve-post1511949.tpo