Học sinh toàn TP HCM trở lại trường
Việc dạy học trực tiếp diễn ra gần như bình thường, các trường tăng dần số lượng học sinh và thời lượng học trực tiếp ở tất cả các môn
Hôm nay, 12-4, toàn bộ gần 1,7 triệu học sinh (HS) tại TP HCM từ bậc mầm non, kể cả bậc nhà trẻ đến THPT tiếp tục trở lại trường học tập trực tiếp theo quyết định mới nhất của UBND TP HCM. Theo quyết định này, chỉ những HS trong diện phải cách ly y tế mới ở nhà học trực tuyến.
Sắp xếp lại thời khóa biểu
Từ khi TP HCM thí điểm mở cửa trường học đối với khối lớp 9 và 12, sau đó mở rộng dần ở các khối, bậc học khác, tỉ lệ HS đến trường học trực tiếp ngày một tăng.
Theo lãnh đạo của nhiều cơ sở giáo dục, đến nay, việc dạy học trực tiếp tại trường gần như diễn ra bình thường, các trường tăng dần số lượng HS và thời lượng học trực tiếp ở tất cả các môn. Theo ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 7, đến nay, tỉ lệ HS trở lại trường ở các bậc học đều đạt trên 70%. Trường lớp và đội ngũ giáo viên (GV) đều có thể đáp ứng nếu HS trở lại trường cùng một thời điểm tăng cao. "Đội ngũ GV đã tiêm vắc-xin đầy đủ và có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch, xử lý các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các trường vẫn phải thường xuyên khử khuẩn, yêu cầu HS đeo khẩu trang, GV quan sát HS để kịp thời xử trí các trường hợp nghi ngờ có triệu chứng" - ông Hải nói.
Bà Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10), cho hay thời gian đầu khi mở cửa trường, chỉ một số phụ huynh chưa yên tâm nên cho con em ở nhà học trực tuyến. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, gần như toàn bộ HS đã trở lại trường, kể cả khối lớp 6, thuộc diện chưa tiêm vắc-xin. "Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với việc dạy trực tiếp toàn bộ. Đồng thời, tổ chức bán trú cho 3 khối lớp 7, 8, 9, trừ khối lớp 6 tạm thời chưa tổ chức do các em chưa tiêm vắc-xin. HS khối lớp 9 tự nhận phần ăn đến ngồi ở khu riêng, hai khối nhỏ hơn sẽ ngồi cố định tại chỗ" - bà Lan nói.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, thực tế việc dạy học tại các cơ sở giáo dục lâu nay vẫn song song 2 hình thức, trực tiếp tại trường và trực tuyến cho HS chưa đi học trở lại hoặc phải cách ly y tế. Với chỉ đạo mới nhất của thành phố, việc dạy trực tuyến chỉ dành cho HS phải cách ly. "Quy định về xử trí F1 mới đây đã gỡ khó cho nhiều phụ huynh và nhà trường nên phụ huynh đồng thuận đưa con đến trường ngày một tăng" - vị này cho biết.
Bà Lý Thị Hạnh Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7), thông tin đến nay, tỉ lệ trẻ đến trường học trực tiếp đã trên 80%, mỗi lớp từ 30-32 HS. Con số vắng chỉ nằm ở nhóm nhà trẻ do phụ huynh về quê. Tuy nhiên, riêng ở bậc mầm non vẫn chỉ có thể khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đến trường chứ không thể bắt buộc. "GV, nhân viên nhà trường hiện đã quen với việc xử trí F0. Mỗi ngày, thầy cô đều chia vị trí, đứng ở các góc, làm đường dẫn cho các em lên lớp; phụ huynh đều quan sát việc đưa đón, học tập của các con. Phụ huynh ở nhà thì được nhà trường gửi các clip dạy học. Gần nửa tháng qua, trường không phát sinh ca nhiễm nào nên nhiều phụ huynh trước đây còn ngần ngại đều thông báo sẽ đưa con đến trường" - bà Dung nói.
Kéo dài thời gian kết thúc năm học
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết quyết định của UBND TP HCM dựa trên quy định và hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT về tổ chức dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, HS tại các cơ sở giáo dục. Theo ông Minh, kết quả dạy học tại các trường thời gian qua rất khả quan, kể cả với trẻ từ 3 tuổi. Thực tế việc dạy học trực tiếp vẫn bình thường vì GV có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, phòng chống dịch; các trường đã chủ động xây dựng nhiều nội dung, kịch bản và linh hoạt dạy học.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, một số khối lớp có thể kéo dài thời gian kết thúc năm học đến cuối tháng 6 thay vì cuối tháng 5 như trước đây. Ông Hồ Tấn Minh cho biết theo khung thời gian năm học trong quy định của thành phố, các bậc học sẽ kết thúc năm học trước ngày 31-5. Tuy nhiên, hiện tùy điều kiện từng nhà trường khi thực hiện chương trình có thể đề xuất kéo dài khung thời gian kết thúc năm học để sở trình UBND thành phố. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học các khối lớp 1, 2, 3, 4 tối đa có thể kéo dài đến 30-6. Riêng HS lớp 5 tối đa sẽ kết thúc năm học vào ngày 10-6 để tiện cho HS có nhu cầu đăng ký khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vào ngày 25-6 có thể tham gia. Riêng ở bậc THCS, THPT không kéo dài thời gian năm học, trừ khối lớp 6 có thể kéo dài thêm 2 tuần, vào ngày 15-6. "Những cơ sở giáo dục nào có nhu cầu kéo dài thời gian kết thúc năm học thì có thể đề xuất" - ông Minh nói.
Trong khi đó, ở khối mầm non, do thời gian trở lại trường chậm hơn các bậc học khác và kéo dài đến tháng 7, hiệu trưởng các trường đều cho biết sẽ tổ chức dạy những nội dung cốt lõi, nhất là cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. Theo bà Lý Thị Hạnh Dung, ở khối trẻ 5 tuổi, nhà trường chủ trương dạy một số nội dung trọng tâm, lựa chọn nội dung để đáp ứng chương trình phù hợp, chuẩn bị kỹ năng để trẻ bước vào lớp 1.
Tăng cường ôn tập cho HS cuối cấp
Lãnh đạo nhiều trường cho biết ngoài sắp xếp lại thời khóa biểu theo hình thức dạy trực tiếp toàn bộ, các trường cũng tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho HS các lớp cuối cấp. Theo ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), việc tăng cường dạy các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh lớp 10 sẽ được đẩy mạnh trong học kỳ II.