Học sinh vất vả học thêm

Khi con lên lớp 6, nhiều phụ huynh bắt đầu hành trình tìm kiếm các lớp học thêm cho con. Đa phần phụ huynh chọn cho con học 3 môn chính: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều người còn cho con học thêm các môn khoa học tự nhiên. Thậm chí, có môn trẻ học thêm với 2 giáo viên khác nhau để vừa đảm bảo tiếp thu tốt kiến thức vừa có điểm số đẹp trong học bạ.

Một nhóm học sinh lớp 8 đang học thêm môn Vật lý tại nhà giáo viên ở phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa). Ảnh:H.Yến

Một nhóm học sinh lớp 8 đang học thêm môn Vật lý tại nhà giáo viên ở phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa). Ảnh:H.Yến

Với mong muốn con “bằng bạn bằng bè” và có thể cạnh tranh một suất vào trường trung học phổ thông (THPT) công lập, các bậc phụ huynh đã cho con học thêm.

“Chạy sô” học thêm

Em B.K.N. là học sinh lớp 7 của một trường trung học cơ sở (THCS) ở thành phố Biên Hòa. Suốt những năm tiểu học, N. được cha mẹ gửi ở nhà cô giáo chủ nhiệm để học ngoài giờ vì trường chỉ tổ chức học 1 buổi. Ngoài ra, em còn được cho đi học thêm tiếng Anh và toán của giáo viên bên ngoài. Đến khi lên lớp 6, 7, N. vẫn duy trì việc học thêm môn Toán và Tiếng Anh, ngoài ra còn học thêm môn Ngữ văn.

Những ngày gần đây, chị L.T.H.D., mẹ của N., bắt đầu dò hỏi về việc học thêm môn Vật lý, Hóa học để đăng ký cho con học chương trình lớp 8 từ đầu kỳ nghỉ hè này. Chị D. chia sẻ: “Nghe nói chương trình lớp 8 khó nên phải tìm lớp cho con học sớm để theo kịp bạn bè”.

Em N.D.K., lớp 8, Trường THCS L.Q.Đ. (thành phố Biên Hòa), đang học thêm các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý. Riêng môn Tiếng Anh, K. học ở 2 nơi, một nơi để rèn kỹ năng viết và một giáo viên ở trường để phù hợp với chương trình học và kiểm tra. Ngoài ra, K. còn theo học 2 môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Vì vậy, K. hầu như không còn nhiều quỹ thời gian để vui chơi.

Tan trường, nhiều học sinh không kịp về nhà để tắm rửa, cơm nước mà phải “chạy sô” đến các lớp học thêm. Vì phải học nhiều môn nên có buổi phải học đến 2 ca với tổng thời gian học thêm là 3 tiếng. Kết thúc 2 ca học thêm, học sinh về đến nhà đã 21-22h.

Không phải chỉ những học sinh có học lực kém hay trung bình mới đi học thêm mà ngay cả những học sinh thuộc diện học khá trong lớp vẫn phải “quay cuồng” với việc học thêm.

Em D.T.N.A., lớp 9 (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), có thành tích 3 năm liền là học sinh giỏi nhưng vẫn đều đặn học thêm 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Đặc biệt, năm nay là năm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên N.A. càng phải chú tâm, không dám sao nhãng học thêm”.

Đối với học sinh có học lực trung bình, yếu thì áp lực học thêm càng trở thành gánh nặng tâm lý cho cả học sinh và phụ huynh. Chị T.T.T., phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa), phân tích: “Muốn cho con học trường TPHT thì phải đầu tư cho con học thêm. Con học trung bình thì không dám mong đậu vào trường THPT công lập nhưng muốn con vào học được trường THPT tư thục thì con cũng cần có bảng điểm “đẹp” thì các trường tư mới nhận. Nếu bảng điểm học bạ “xấu” quá thì chỉ có thể đi học bổ túc hoặc vào trường nghề và không có nhiều lựa chọn về ngành nghề vì nhiều nghề bây giờ cũng lấy điểm đầu vào từ 6 trở lên”.

Tốn kém nhưng vẫn phải đầu tư

Để tìm được chỗ học thêm chất lượng cho con, các phụ huynh phải nghe ngóng, tìm hiểu từ các phụ huynh trong lớp hoặc những người đi trước, có kinh nghiệm. Tuy vậy, khi tìm được giáo viên ưng ý thì chưa chắc giáo viên đã chịu nhận con mình. “Những giáo viên dạy thêm có tiếng là chất lượng thường sẽ hỏi điểm thi, điểm tổng kết môn học của con. Có giáo viên còn cẩn thận “test” năng lực học của con, nếu phù hợp thì giáo viên mới nhận chứ không phải cứ đăng ký là có lớp” - anh T.H.V., một phụ huynh học sinh, cho hay.

Đối với học sinh lớp 9, việc học thêm để luyện thi lớp 10 THPT công lập gần như là chuyện đương nhiên. Tùy theo mục tiêu đăng ký nguyện vọng vào trường THPT nào mà phụ huynh có sự đầu tư học thêm tương xứng cho con. Có phụ huynh cho con học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với 6 giáo viên (mỗi môn 2 giáo viên khác nhau) để đảm bảo con tiếp thu kiến thức tốt nhất vì mỗi giáo viên có một cách truyền đạt khác nhau.

Chi phí cho việc học thêm cũng ở nhiều phân khúc khác nhau. Có lớp, giáo viên chỉ thu học phí từ 300-500 ngàn đồng/học sinh/tháng. Nhưng cũng có những lớp học theo nhóm nhỏ, số buổi học nhiều (thường là 3 buổi/tuần) thì mức học phí dao động từ 1-2 triệu đồng/học sinh/tháng. Cá biệt, có những lớp luyện thi cấp tốc và lấy lại căn bản cho học sinh, học phí có thể lên đến 3-4 triệu đồng/tháng/học sinh. Ở mức thấp nhất, một phụ huynh phải chi khoảng 1 triệu đồng/học sinh/tháng, ở mức cao có thể lên đến 10 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, đưa đón.

Mặc dù tốn kém nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo cho tương lai của con.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/hoc-sinh-vat-va-hoc-them-5e26515/