Hội nghị UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 6

Ngày 2/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 6/2023. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp duy trì phát triển sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; trong tháng UBND tỉnh đã tổ chức thành công "Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp"...

Nhờ vậy sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định và có dấu hiệu phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 đạt 9.028,1 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 40.865 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2023 đạt 292,8 triệu USD, tăng 11,4%. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1.291,8 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ.

Các công trình, dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn sau, đã khởi công và triển khai thi công đảm bảo kế hoạch. Tỉnh Ninh Bình vẫn là một trong 17 tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã duy trì phát triển tốt, nhất là lúa vụ đông xuân và lĩnh vực thủy sản. Trong tháng 5, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa ngoài đê để tránh lũ tiểu mãn; công tác phòng, chống lụt bão được triển khai sớm, thực hiện khẩn trương, tích cực; công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Xác định dịch vụ du lịch là động lực của tăng trưởng trong năm 2023, tỉnh đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động du lịch như tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2023, tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình. Do vậy, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng tiếp tục diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5,31 nghìn tỷ đồng, tăng 48,3%; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 26,05 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao. Tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan du lịch trong tháng 5 đạt 453,8 nghìn lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt gần 4,14 triệu lượt khách, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch 5 tháng đạt gần 3.376,4 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tháng đầu năm ước tính Ninh Bình vẫn nằm trong top khá của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, giải quyết đầy đủ, kịp thời; các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, phát thanh và truyền hình được tổ chức sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú gắn với tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội. Ngành Y tế đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; ngành Giáo dục và đào tạo đã chủ động triển khai nhiệm vụ giáo dục cuối năm học. Tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT; công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo; an ninh chính trị được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Công tác quy hoạch, thực trạng và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu; quan tâm tháo gỡ cho các doanh nghiệp về chính sách thuế, tín dụng, nộp bảo hiểm, kích cầu tiêu dùng trong nước...; các vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, công tác chuyển đổi số, thu ngân sách Nhà nước; đổi mới kỳ thi tuyển sinh THPT và tốt nghiệp THPT; công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, mua sắm trang thiết bị y tế...

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Qua nghe các ý kiến đánh giá của các ngành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã thẳng thắn nhìn nhận lại những khó khăn, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Trong đó đặc biệt phải kể đến khó khăn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với dự án có vốn đầu tư cấp tỉnh; công tác thu ngân sách, đấu giá giá trị quyền sử dụng đất... đang có tốc độ thu thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài ra các vấn đề về công tác giải phóng mặt bằng, an ninh vùng biển cũng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược.

Đối với những giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo đúng kịch bản tăng trưởng đã đề ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc yêu cầu các cấp, các ngành trước hết tập trung cao thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ một số dự án sắp đi vào hoạt động để tạo sản phẩm mới góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Xác định du lịch, dịch vụ là động lực tăng trưởng, do đó các cấp, ngành trong tỉnh cần tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này, trong đó tập trung cao cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục duy trì ổn định sản xuất. Hướng dẫn đôn đốc các huyện, thành phố và các xã đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng tiến độ đảm bảo phù hợp với nguồn lực cụ thể. Huyện Kim Sơn tập trung hoàn thiện hồ sơ xét công nhận huyện nông thôn mới.

Đối với những giải pháp chiến lược lâu dài yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh theo nhiệm vụ, chức năng của mình tiếp tục tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch để sớm đưa vào chỉ đạo thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh thu hút đầu tư. Trước mắt cũng như lâu dài tỉnh cần thúc đẩy thu hút các dự án trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung thu hút các dự án dịch vụ du lịch cao cấp; các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà ở đô thị...

Các sở, ngành, đơn vị và các địa phương tập trung chuẩn bị kỹ các nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XV, nhất là kỳ họp thường lệ giữa năm. Đồng thời, chủ động, xem xét khắc phục ngay những vấn đề trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra.

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành, địa phương về các vấn đề như công tác quy hoạch, công tác triển khai các dự án, điều hành ngân sách, đơn giá đền bù; công tác khiếu nại, kiến nghị, chuyển đổi số, an ninh trật tự, các vấn đề văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội... đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã cho ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai công việc đảm bảo việc thực hiện phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-ubnd-tinh-phien-thuong-ky-thang-6/d20230602103716115.htm