Hơn 500 nhà khoa học tham dự Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc
Hơn 500 đại biểu là nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã tham dự Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc năm 2022.
Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc năm 2022 do Hội công nghệ sinh học Việt Nam phối hợp với trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 4-11. Hội nghị là hoạt động thường niên, là diễn đàn khoa học, tập hợp các nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học cùng trình bày, trao đổi những kết quả, thành tựu nghiên cứu mới nhất và hợp tác phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới. Năm 2022, Trường Đại học Tây Nguyên vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị.
Báo Dân Việt thông tin: Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là hội nghị có quy mô tổ chức rộng, số lượng đại biểu tham gia đông nhất từ trước đến nay. Chất lượng các bài báo khoa học trong năm cũng được đánh giá có chất lượng hơn so với trước. Trong đó có 53 bài được phản biện, hơn 210 bài được xuất bản.
Các báo cáo tham luận tại phiên hội nghị toàn thể sáng nay, đã nêu những mũi nhọn của công nghệ sinh học, như: Tế bào gốc, kỹ thuật chỉnh sửa gen, kỹ thuật giải trình tự DNA thế hệ mới trong nghiên cứu tạo giống kháng, nghiên cứu ứng dụng trong y tế, thủy sản và nông nghiệp…
Hội nghị có 5 tiểu ban chuyên môn bao quát các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khác nhau của công nghệ sinh học, bao gồm: Công nghệ Gene, Protein và Tế bào; công nghệ sinh học Nông nghiệp; công nghệ sinh học Y Dược; công nghệ sinh học Vi sinh và Môi trường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc-Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên nhấn mạnh, thế kỷ XXI là thế kỷ của công nghệ sinh học. Vai trò của công nghệ sinh học được thể hiện trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, khi nhân loại vừa trải qua đại dịch COVID-19 thì vai trò của công nghệ sinh học càng thể hiện rõ trong nghiên cứu về bộ gen SARS-CoV-2, chế tạo các sinh phẩm xét nghiệm cho tới phát triển thuốc mới và vaccine thế hệ mới RNA chống lại virus SARS-CoV-2 với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có nền khoa học phát triển đang tiếp tục đầu tư và phát triển công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trần Bình-Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, công nghệ sinh học nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 theo chuỗi giá trị có công nghệ chế biến sâu nâng cao giá trị nông sản. Phát triển liệu pháp định đích tới từng bệnh nhân trong y học chính xác đòi hỏi các phương pháp tiếp cận hiện đại và mới mẻ… Trong bối cảnh đó, hội nghị là diễn đàn hữu ích cho cộng đồng các nhà khoa học, nghiên cứu, giảng dạy và triển khai ứng dụng cùng suy nghĩ phải làm gì để góp phần phòng, chống dịch bệnh ở người, vật nuôi, cây trồng, giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa Việt Nam hội nhập quốc tế về công nghệ sinh học.