HTX thích ứng xu hướng tiêu dùng trên thị trường bán lẻ
Mặc dù ngành bán lẻ đang tăng trưởng khả quan, nhưng các HTX cần chú ý đến giá cả và xu hướng thị trường để có chiến lược phù hợp, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, hơn 9.000 chợ truyền thống tại Việt Nam đang chiếm 75% thị phần ngành hàng bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu của người tiêu dùng (theo RedSeer Consulting).
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Kênh bán lẻ thông qua hệ thống siêu thị đang chiếm khoảng 20% thị phần và có mức tăng trưởng trung bình 10%/năm; trong khi kênh bán hàng online dù chỉ chiếm khoảng 5% thị phần nhưng có mức tăng trưởng khoảng 35-45%.
Những con số này cho thấy cơ hội mở ra cho các HTX, doanh nghiệp trong mảng bán lẻ là rất lớn. Tuy nhiên, điều khiến các HTX, doanh nghiệp hiện nay lo lắng là sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, thương hiệu lớn nên áp lực khi tham gia thị trường bán lẻ là không nhỏ.
Đặc biệt, bài toán chi phí vận chuyển, logistics, thiếu nguyên liệu khiến HTX, doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm (Hà Nội) cho biết, dù liên kết với một số HTX để cung ứng đầu vào nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng và các vấn đề về logistics đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa của những đơn vị bán lẻ.
Để thích ứng và cạnh tranh trên thị trường, Công ty Cổ phần Thương mại và Chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm đã phải lựa chọn hình thức nhượng quyền thương hiệu nhằm mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Nông nghiệp nho Thái An (Ninh Thuận) chia sẻ, dù đã tìm cách đa dạng hướng tiêu thụ nhưng thực chất các giống nho Ninh Thuận đang khó khăn vì sự có mặt tràn lan của các giống nho ngoại nhập với giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, số lượng lớn.
Thời gian qua, HTX và doanh nghiệp đã chú trọng phát triển sản phẩm, kênh bán hàng để tiếp cận khách hàng, tận dụng thị trường 100 triệu dân. Nhưng rõ ràng việc cạnh tranh trong mảng bán lẻ hiện nay không chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp, HTX trong nước với doanh nghiệp ngoại, mà ngay cả HTX, doanh nghiệp trong nước cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau bởi thị trường rất khốc liệt. Nhiều HTX, doanh nghiệp cùng nhìn thấy tiềm năng từ mảng bán lẻ nên đều muốn tham gia.
Trước tiềm năng và đóng góp của ngành bán lẻ, Nhà nước đang tạo cơ hội cho các đơn vị trong ngành hàng phát triển như khuyến khích, có cơ chế ưu đãi đối với đơn vị kinh doanh, quản lý chợ nông thôn, trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm logistics, kho hàng... Vậy nhưng, điều mà các HTX tham gia ngành hàng này quan tâm đó là các cơ chế hỗ trợ hiện vẫn nghiêng về các doanh nghiệp lớn với dự án đạt quy mô từ 6.000 tỷ đồng, khiến HTX, doanh nghiệp nhỏ vốn đã khó khăn lại càng không dễ tiếp cận chính sách ưu đãi trong quá trình đầu tư.
Ngoài ra, Quyết định 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức chuyển phát nhanh có giá dưới 1 triệu đồng sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Đây chính là kẽ hở khiến các HTX, doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng bị lấn át bởi hàng hóa giá rẻ, không rõ nguồn gốc ngay tại thị trường nội địa.
Tìm "từ khóa" để mở cửa thị trường
Các chuyên gia khuyến nghị, trước những thách thức không hề nhỏ, HTX, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp để tận dụng cơ hội của ngành hàng. Đặc biệt, việc nắm bắt thói quen tiêu dùng được coi là chìa khóa để giúp các HTX vượt qua thách thức và biến động của thị trường.
Theo Bộ Công Thương, với doanh thu dự báo đạt khoảng 35 tỷ USD vào năm 2025, thương mại điện tử vẫn là một trong những kênh bán hàng hút khách nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mua sắm trực tuyến và ứng dụng di động.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2024, từ các nền tảng Shopee, Tik Tok Shop, Lazada, Tiki, Sendo đã bán ra hơn 1,5 triệu sản phẩm, chủ yếu qua hình thức livestream.
Do đó, để tiếp cận được khách hàng và không bị tụt lại trong thị trường cạnh tranh, các HTX và doanh nghiệp cần đầu tư vào mảng thương mại điện tử, nhất là hình thức livestream với những chương trình khuyến mãi phù hợp.
Theo dự báo từ Statista, thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 7,46% mỗi năm từ 2024 - 2028. Quá trình đô thị hóa cũng sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển các cửa hàng bán lẻ hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng.
Ngoài ra, hơn 60% dân số, tương đương 60-65 triệu người đang sống tại vùng nông thôn, là cơ hội lớn mà các HTX, doanh nghiệp bán lẻ cần tận dụng. Đặc biệt, đây cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp nhỏ, HTX với thế mạnh gần vùng nguyên liệu, thu hút nhân lực địa phương, từ đó giảm áp lực cạnh tranh trong kinh doanh.
Ông Bùi Quang Nguyên, Trưởng phòng Thể chế và phát triển chuỗi giá trị, Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp, cho rằng thu nhập tăng cao khiến người tiêu dùng ngày càng chú trọng sức khỏe và nguồn gốc thực phẩm, mở ra cơ hội lớn cho những đơn vị bán lẻ đang đề cao vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Những đơn vị nào định hướng sản xuất xanh, cung cấp được những sản phẩm hữu cơ, không hóa chất, thời trang bền vững, thực phẩm thuần chay… nhằm duy trì “sức khỏe xanh” của cộng đồng và biết cách kết hợp với marketing phù hợp sẽ xây dựng được niềm tin và sự trung thành từ khách hàng.