'Hùng hục' sáng chế, Trung Quốc vẫn còn lâu mới theo kịp Mỹ
Số lượng hồ sơ đăng ký sáng chế của Trung Quốc tăng mạnh chứng tỏ nước này đã có nhiều hoạt động đổi mới và cải tiến. Tuy vậy, số lượng SHTT lớn chưa thể chứng minh được rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về kinh tế lớn hơn so với Mỹ.
Chiếm thế thượng phong về số lượng
Năm 2021 là năm thứ ba liên tiếp, Trung Quốc là quốc gia nộp nhiều hồ sơ đăng ký sáng chế nhất trên thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, các công ty Trung Quốc đã nộp khoảng 75% bằng sáng chế về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và 40% của tất cả các bằng sáng chế 6G trên toàn cầu, trong khi số lượng đơn đăng đăng ký của Hoa Kỳ chỉ chiếm 35% trong số này. Khả năng phát triển tài sản trí tuệ trong một số lĩnh vực công nghệ mới nổi và quan trọng như đã đề cập ở trên được coi là một trong những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất tri thức.
Số lượng hồ sơ đăng ký sáng chế của Trung Quốc tăng mạnh chứng tỏ nước này đã có nhiều hoạt động đổi mới và cải tiến. Tuy vậy, số lượng SHTT lớn chưa thể chứng minh được rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh về kinh tế lớn hơn so với Mỹ. Thay vào đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự xuất hiện của những chuỗi giá trị toàn cầu, những SHTT chất lượng cao ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc độc quyền cấp phép quy trình, nhãn hiệu và những công nghệ cần thiết cho quá trình sản xuất.
Chuỗi giá trị có tính thứ bậc. Ở vị trí cao nhất, chủ của những SHTT chất lượng cao có quyền quyết định các điều khoản trong hợp đồng, cũng là bên thu lợi lớn từ những bên phía dưới trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn như khi một doanh nghiệp tạo ra được một sáng chế mới, có khả năng tạo nhiều giá trị và được nhiều khách hàng đón nhận, doanh nghiệp có thể li-xăng sáng chế đó cho một hay nhiều bên và thu phí li-xăng từ các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Chính vì vậy, khi một quốc gia có càng nhiều sở hữu trí tuệ chất lượng cao, quốc gia đó càng “thăng hạng” trong chuỗi giá trị, từ đó thu được tỷ trọng giá trị gia tăng cao hơn và mang lại cho quốc gia đó những lợi thế chiến lược trong việc điều chỉnh các điều khoản thương mại quốc tế.
Việc Hoa Kỳ gần như độc quyền đối với những SHTT chất lượng cao đã khiến cho các công ty của nước này thu được lượng giá trị gia tăng cao nhất trên thế giới. Những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc phát triển, điều chỉnh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cách để nước này bảo vệ quyền lực của mình trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.
Bằng cách nâng cao thứ hạng trong chuỗi giá trị, Chính phủ Trung Quốc đã và đang kiên quyết theo đuổi con đường đổi mới của riêng mình, từ đó duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh bẫy thu nhập trung bình. Nhưng bất kể ý định của Bắc Kinh là gì, điều này sẽ đe dọa đến sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Đi sau về chất lượng
Mặc dù nhận thức được rất rõ về tầm quan trọng của chất lượng so với số lượng trong lĩnh vực SHTT, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thu hút giá trị gia tăng. Vào năm 2020, doanh thu từ SHTT của Trung Quốc mới chỉ đạt 8,6 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số khổng lồ 113,8 tỷ USD của Mỹ. Điều này có thể là do những SHTT của Trung Quốc có xu hướng hướng tới những đổi mới mang tính thích ứng nhiều hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy hơn một nửa hồ sơ đăng ký trong nước của họ là giải pháp hữu ích. Trong đó, giải pháp hữu ích đòi hỏi những yêu cầu về sáng tạo và đổi mới thấp hơn, thời gian bảo vệ và tỷ lệ lưu giữ thấp hơn, cho thấy chất lượng của SHTT thấp hơn.
Hơn nữa, vào năm 2020, số lượng bằng sáng chế của Trung Quốc được cấp ở nước ngoài chỉ đạt 8%, trong khi đó con số này của Hoa Kỳ đạt 29%. Đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài là một việc rất quan trọng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của một quốc gia trên các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong năm 2019, Trung Quốc chỉ có 10% số sáng chế được cấp văn bằng bởi “bộ ba” tiêu chuẩn vàng toàn cầu (tập hợp các bằng sáng chế được đăng ký với các cơ quan cấp bằng sáng chế của EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ để cùng bảo vệ một sáng chế), trong khi con số này của Hoa Kỳ chiếm đến 22%. Huawei - công ty Trung Quốc được công nhận trên toàn cầu vì đã phát triển thành công danh mục SHTT rộng khắp trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, điển hình như 5G - là một ngoại lệ trong môi trường các doanh nghiệp thiếu những hồ sơ SHTT chất lượng cao.
Khác với những cường quốc trước đây, sự đổi mới của Trung Quốc tận dụng sự hợp tác mạnh mẽ của khu vực công và tư trong phát triển SHTT. Mặc dù khu vực tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong việc chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Trung Quốc, nhưng báo cáo này này chưa chắc đã đúng, bởi trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước quản lý gần như toàn bộ các doanh nghiệp của Trung Quốc và chiếm gần một nửa tổng chi tiêu cho R&D vào năm 2020.
Năng suất đầu tư nghiên cứu và phát triển kém
Kể từ năm 2000, chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năng suất chung của các yếu tố tổng hợp giảm đã phản ánh tính kém hiệu quả của các khoản đầu tư. Với cách tiếp cận từ trên xuống, Trung Quốc đã mắc một số sai lầm trong việc xác định những công nghệ quan trọng cần phát triển, từ đó làm gia tăng nợ và hạn chế lợi nhuận từ các khoản đầu tư.
Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về việc cải cách thị trường và đổi mới theo hướng dẫn dắt của nhà nước trên phạm vi lớn hơn dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mâu thuẫn rõ rệt với những tuyên bố về việc nới lỏng kiểm soát thị trường trước đó. Trong khi đó, những cuộc đàn áp trong lĩnh vực công nghệ đối với những gã khổng lồ công nghệ (chẳng hạn như Tencent) đã gây ra thiệt hại trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế nước này, đồng thời gián tiếp ngăn cản các công ty này trong việc thu hút nhân tài.
Trong khi đó, Trung Quốc xác định những công ty hàng đầu về công nghệ “lõi” của nước này là những công ty sản xuất chất bán dẫn, viễn thông và máy tính lượng tử sẽ không bị làm khó dễ. Những công ty được Trung Quốc ủng hộ như Huawei và ZTE được coi là những công ty mang đến sự tự cung tự cấp và là những doanh nghiệp không thể thiếu đối với nền an ninh quốc gia mặc dù nhiều công ty trong số này hoạt động kém hiệu quả và vướng vào nợ nần chồng chất.
Mới nhìn, những nỗ lực lớn của nhà nước trong việc mở rộng quyền sở hữu SHTT cho thấy Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Washington. Nhưng chất lượng kém và sự suy giảm năng suất tiềm ẩn của những khoản đầu tư R&D của Trung Quốc cho thấy sự thật chưa hẳn đã là như vậy.
Trước khi Trung Quốc giải quyết được những hạn chế trong việc thực hiện các chính sách đổi mới từ trên xuống dưới, chính sách công nghiệp mới vẫn có thể khiến cho Hoa Kỳ tiếp tục duy trì được vị thế thống trị đối với những SHTT chất lượng cao trong tương lai.