Hưng Yên: Nhộn nhịp nghề chế biến long nhãn

Hiện nay, các vườn nhãn trên địa bàn tỉnh đang vào thời kỳ chín rộ, nông dân tập trung thu hoạch nhãn. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, chế biến long nhãn trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp làm nghề.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hầu hết các vườn nhãn trên địa bàn tỉnh đều sai quả. Sản lượng nhãn lớn nên nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất long nhãn thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Gia, chủ một cơ sở sản xuất long nhãn ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) cho biết: Từ đầu vụ đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu mua khoảng 7 tạ nhãn để làm long. Nhãn được gia đình tôi nhập ở các vùng trồng nhãn trong tỉnh. Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn so với năm trước nhưng chất lượng quả tăng nên long nhãn đều và đẹp hơn.

Chế biến long nhãn ở xã Đa Lộc (Ân Thi)

Xã Đa Lộc (Ân Thi) có 60ha trồng nhãn. Năm nay, sản lượng nhãn trên địa bàn xã đạt khoảng 500 tấn, tăng 40% so với năm trước. Toàn xã có khoảng 25 hộ làm nghề chế biến long nhãn. Theo đánh giá của các hộ làm nghề, năm nay, do thời tiết thuận lợi nên nguồn nguyên liệu chế biến long nhãn trên địa bàn tỉnh dồi dào, dễ thu mua.

Nhanh tay cho những phên long nhãn vào lò sấy, ông Đặng Đình Vương, thôn Đa Lộc, xã Đa Lộc cho biết: Hiện nay, gia đình tôi thuê 6 lao động, trung bình mỗi ngày xoáy được 2 tạ nhãn quả tươi, tương đương với 20kg long nhãn thành phẩm. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, 2 năm nay, gia đình tôi sử dụng lò sấy điện. Thời gian sấy long trung bình là 1 ngày, 1 đêm và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để long nhãn thành phẩm có màu vàng cánh gián, mùi thơm đặc trưng. Ngoài sấy long nhãn của gia đình, gia đình tôi còn nhận sấy long nhãn, mít cho các hộ dân có nhu cầu với giá 30 nghìn đồng/khay.

Năm nay, nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ thu mua nhưng các cơ sở sản xuất long nhãn trên địa bàn tỉnh lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động xoáy long. Nguyên nhân là do năm nay nhãn chín muộn hơn so với mọi năm, trùng với thời điểm các em học sinh đi học nên thiếu hụt lực lượng lao động tham gia làm nghề.

Theo một số hộ sản xuất long nhãn trên địa bàn tỉnh, mặc dù giá thuê xoáy long năm nay cao hơn năm trước từ 1 đến 1,5 nghìn đồng/kg nhãn quả tươi nhưng các cơ sở đều không tìm đủ lao động. Ông Đỗ Thế Đỗ, xã Đông Kết (Khoái Châu) cho biết: Những năm trước, trung bình gia đình tôi sản xuất khoảng 50kg long nhãn/ngày, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động. Tuy nhiên, vụ nhãn năm nay, gia đình tôi chỉ thuê được khoảng 6 lao động/ngày, chủ yếu là người già.

Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 400 hộ làm nghề sản xuất, chế biến long nhãn, tập trung chủ yếu ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi... Nghề chế biến long nhãn không chỉ tạo việc làm thời vụ cho lao động nông thôn mà còn giúp giảm áp lực tiêu thụ nhãn quả tươi, đa dạng các sản phẩm chế biến từ nhãn, nâng cao hiệu quả canh tác nhãn.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, chế biến long nhãn trên địa bàn tỉnh vẫn trăn trở tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”. Hiện tại, giá long nhãn dao động từ 120 đến 140 nghìn đồng/kg; với mức giá này, người sản xuất chưa có lãi; giá thành sản phẩm thấp nhưng việc tiêu thụ long nhãn còn chậm. Theo đánh giá của các cơ sở sản xuất, chế biến long nhãn, sản phẩm long nhãn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên khó khăn trong việc chủ động thị trường và giá. Cùng với đó, hoạt động sản xuất long nhãn chưa tìm được thị trường đầu ra bền vững khiến sản phẩm long nhãn phụ thuộc nhiều vào tư thương và thường bị động, lúng túng khi thị trường gặp khó khăn.

Trong khi đó, việc hỗ trợ phát triển nghề như: Xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn... vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá vùng nguyên liệu, công suất sản xuất và khả năng tiêu thụ long nhãn ở các địa phương để tham mưu kế hoạch phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, Chi cục tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu, năng lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhãn trên địa bàn tỉnh để có cơ chế hỗ trợ lò sấy điện; phối hợp với các địa phương xây dựng sản phẩm long nhãn trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh... để mở rộng cơ hội, thị trường tiêu thụ long nhãn Hưng Yên.

Bài, ảnh: Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202208/hung-yen-nhon-nhip-nghe-che-bien-long-nhan-a305114/