Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới: Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em

Bệnh viện Mắt Hà Nội vừa phát động lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới 2024 với chủ đề: 'Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em'.

Ngày Thị giác thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998 với mục đích nâng cao nhận thức của toàn cầu về tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực và việc phục hồi các chức năng thị giác. Đây là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) nhằm nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt và chữa trị cho các bệnh nhân bị mù lòa và khiếm thị.

Hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày thứ 5 của tuần thứ 2 trong tháng 10 để tôn vinh đôi mắt. Năm nay, ngày Thị giác thế giới được tổ chức với chủ đề: "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em", nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho đôi mắt của trẻ em.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội – Chủ tịch Hội mắt trẻ em) phát biểu tại buổi mít tinh.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội – Chủ tịch Hội mắt trẻ em) phát biểu tại buổi mít tinh.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội – Chủ tịch Hội mắt trẻ em) cho biết: "Đã có rất nhiều các nghiên cứu về tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ em, tật khúc xạ ở trường học có thể dao động từ 15-85%. Chúng ta không thấy làm lạ khi vào một lớp học mà có tới 80-90% trẻ em phải đeo kính. Hoặc với những trẻ đã đeo kính tỷ lệ tăng số đo kính cũng rất cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và cuộc sống hàng ngày của trẻ em. Ngày nay khi khoa học công nghệ càng phát triển, mang đến cho con người nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức, tác động của việc sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử lên đôi mắt là rất rõ. Trong đại dịch COVID-19, học sinh không được đến trường, việc dạy học phải chuyển từ truyền thống sang trực tuyến dẫn đến sau đại dịch số lượng trẻ em đeo kính tăng vọt, cận thị nặng hơn".

Khi trẻ có những vấn đề về mắt như đỏ mắt, đau mắt, chảy nước mắt… cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám ngay. Nhưng khi trẻ gặp một số vấn đề như mắt nhìn lệch, giảm thị lực hay các biểu hiện bất thường, tật khúc xạ về mắt nhưng không gây ra chảy nước mắt, đỏ mắt, cha mẹ thường có tâm lý chủ quan và không nhận thức được tầm quan trọng của bệnh dẫn đến việc đưa trẻ đi khám khi muộn. Có những trẻ có tật khúc xạ ở một bên mắt nhưng không được cha mẹ đưa đi khám hoặc không phát hiện sớm để điều trị dẫn đến tình trạng bị viễn thị. "Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ, đặc biệt là trước khi trẻ vào lớp 1"- TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh khuyến cáo.

Các bác sĩ, cán bộ nhân viên và bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội đang nghe báo cáo hoạt động chăm sóc mắt trẻ em và chương trình "Mắt học đường".

Các bác sĩ, cán bộ nhân viên và bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội đang nghe báo cáo hoạt động chăm sóc mắt trẻ em và chương trình "Mắt học đường".

Tại buổi mít tinh, các bác sĩ, cán bộ nhân viên và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng được nghe báo cáo hoạt động chăm sóc mắt trẻ em và chương trình Mắt học đường của ThS.BS Đỗ Việt Dũng (Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Mắt Hà Nội). Báo cáo cho thấy trong và sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tật khúc xạ (cận thị đặc biệt là cận thị nặng) ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó nhược thị và những biến chứng do tật khúc xạ nặng tăng cao dẫn đến nhu cầu điều trị ngày càng lớn. Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị, thăm khám, điều trị và theo dõi.

Hưởng ứng Bệnh viện Mắt Hà Nội cùng ngành mắt của thành phố cần có những hành động cụ thể nhằm góp phần bảo vệ sự trong sáng đôi mắt trẻ thơ, hạn chế tật khúc xạ với các biện pháp như:

- Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về chăm sóc mắt cho cả phụ huynh và thầy cô giáo để phòng tránh cận thị học đường

- Trẻ cần được khám mắt để phát hiện các rối loạn thị giác sớm và điều trị kịp thời trước tuổi đi học

- Cần đưa trẻ đi khám mắt ngay mỗi khi có biểu hiện bất thường

- Cho trẻ ngồi học đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 – 30cm.

- Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học,

- Hạn chế xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính để chơi điện tử;

- Tăng cường hoạt động ngoài trời (>2h/ngày; >10h/1 tuần)

- Bên cạnh đó trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, ăn ngủ, nghỉ hợp lý.

- Khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để phát hiện sớm tật khúc xạ, đeo kính đúng số, đúng cách.

Theo số liệu của Nghiên cứu năm 2020 về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, ước tính có khoảng 1,1 tỷ nguời bị mù lòa và giảm thị lực, trong đó có 45 triệu người mù, 650 triệu người giảm thị lực ở nhiều mức độ khác nhau, 500 triệu người bị lão thị không được chỉnh kính. Hiện chưa có số liệu chính xác về mù lòa ở trẻ em, nhưng ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị mù trên toàn thế giới, còn tỷ lệ giảm thị lực cao gấp nhiều lần.

Kim Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-ung-ngay-thi-giac-the-gioi-uu-tien-cham-soc-mat-tre-em-1692410101714541.htm