Huyện Điện Biên đẩy mạnh trồng cây vụ đông

Điện Biên là huyện luôn dẫn đầu cả tỉnh về phát triển cây vụ đông, nhất là cây vụ đông trên đất lúa 2 vụ. Đến nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất thứ 3 trong năm, góp phần tăng giá trị trên từng héc ta đất canh tác, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm nay, khi các huyện khác trong tỉnh mới bắt đầu thu hoạch lúa mùa thì huyện Điện Biên đã triển khai trồng cây vụ đông, đảm bảo khung thời vụ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.

Người dân các xã Thanh An, Thanh Nưa (huyện Điện Biên) lựa chọn cây khoai lang là cây chủ lực trong vụ đông. Trong ảnh: Người dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) làm đất, xuống giống khoai kịp thời vụ.

Người dân các xã Thanh An, Thanh Nưa (huyện Điện Biên) lựa chọn cây khoai lang là cây chủ lực trong vụ đông. Trong ảnh: Người dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) làm đất, xuống giống khoai kịp thời vụ.

Từ sáng sớm, trên khắp cánh đồng các xã: Thanh Nưa, Thanh An, Pom Lót… người dân đang khẩn trương làm đất, gieo trồng, tạo không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Với lợi thế địa hình bằng phẳng, nguồn nước sẵn có, đất đai màu mỡ, nhiều năm nay, phong trào trồng cây vụ đông phát triển rộng khắp. Nhận thấy cây khoai lang đem lại hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây, gia đình bà Bùi Thị Tấn, thôn Đông Biên 1, xã Thanh An duy trì diện tích trồng khoai lang. Ngay sau khi thu hoạch xong hơn 2.000m2 lúa mùa, gia đình bà Tấn thuê thêm người làm đất để xuống giống khoai cho kịp thời vụ. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên hàng năm vườn khoai của gia đình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 1.000m2 ruộng trồng khoai, gia đình thu được khoảng 12 - 13 triệu đồng. Nếu tính so với trồng lúa cùng diện tích chỉ thu được 8 - 10 triệu đồng/vụ. “Hàng năm, ngoài 2 vụ lúa chính, gia đình vẫn tiếp tục tăng diện tích trồng cây vụ đông, đặc biệt trồng khoai lang, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống” - bà Tấn chia sẻ thêm.

Xã Pom Lót (huyện Điện Biên) hướng tới phát triển vùng rau chuyên canh. Trong ảnh: Người dân chăm sóc vườn cà chua.

Xã Pom Lót (huyện Điện Biên) hướng tới phát triển vùng rau chuyên canh. Trong ảnh: Người dân chăm sóc vườn cà chua.

Cũng giống như xã Thanh An, thời điểm này, sau khi đã hoàn tất thu hoạch ngô, trên cánh đồng xã Pom Lót bà con nông dân bắt tay vào việc cày vỡ, làm đất, xuống giống lứa rau mới. Vụ đông này, xã triển khai trồng 38ha rau màu trong đó tập trung các loại rau như: Bắp cải; su hào; súp lơ; ớt... và ngô. Nhận định về hướng phát triển vùng rau chuyên canh. Ông Nguyễn Văn Luyển, Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho rằng: "Để việc trồng rau của bà con mang lại hiệu quả hơn nữa, thời gian tới xã tiếp tục các biện pháp đầu tư đồng bộ về khoa học kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn ra". Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tận dụng diện tích trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng rau; chỉ đạo cán bộ hướng dẫn bà con lựa chọn giống cây trồng phù hợp, thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Điểm nổi bật của vụ đông 2024, cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Đến nay, một số diện tích gieo trồng trà sớm đã cho thu hoạch như: Cây ớt có giá dao động 40 nghìn đồng/kg, súp lơ 40 - 45 nghìn đồng/kg...

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên những diện tích raiu màu đến nay sinh trưởng và phát triển tốt. Trong ảnh: Vườn bắp cải tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên những diện tích raiu màu đến nay sinh trưởng và phát triển tốt. Trong ảnh: Vườn bắp cải tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

Vụ đông năm nay, huyện Điện Biên triển khai gieo trồng trên 860ha rau màu (rau trên 720ha, khoai lang 140ha), trong đó tập trung chủ yếu các xã: Thanh Nưa, Thanh Luông, Sam Mứn, Pom Lót và Thanh An… Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân gieo trồng những loại cây là thế mạnh của từng xã. Mặc dù còn gặp một số khó khăn về thời tiết, nhưng với kinh nghiệm tích lũy, sự nỗ lực của người dân và chỉ đạo kịp thời của chính quyền trong sản xuất nên vụ đông đến nay cơ bản hoàn thành 80% diện tích.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên chia sẻ: Vụ lúa mùa 2024, huyện Điện Biên chịu nhiều ảnh hưởng do thời tiết, mưa lớn kèm gió lốc, lũ quét, sạt lở đất đã khiến nhiều diện tích lúa mất trắng, năng suất giảm. Việc sản xuất cây vụ đông là rất cần thiết đối với người dân trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, sau khi vụ lúa mùa kết thúc, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp các xã vận động người dân chú trọng phát triển sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa, tổ chức sản xuất gieo trồng vụ đông theo hướng gọn vùng, theo quy hoạch để đảm bảo thuận lợi trong việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa tập trung, vùng cánh đồng Mường Thanh 3 vụ.

Bài, ảnh: Quang Hùng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218961/huyen-dien-bien-day-manh-trong-cay-vu-dong