Israel xem xét đáp trả gây thiệt hại lớn cho Iran

Quân đội Israel được cho là đang lên kế hoạch gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho Iran để đáp trả cuộc tấn công bằng 200 tên lửa của Tehran.

Tổ hợp Vòm Sắt tại thành phố Ashkelon, Israel tháng 8-2022. Ảnh: AP

Tổ hợp Vòm Sắt tại thành phố Ashkelon, Israel tháng 8-2022. Ảnh: AP

Theo nguồn thạo tin, Israel đang xem xét một loạt lựa chọn để tấn công trả đũa Iran và họ vẫn đang tham vấn với Mỹ về vấn đề này. Một trong những lựa chọn đó là cố gắng gây ra thiệt hại tài chính hoặc kinh tế nghiêm trọng cho Iran bằng cách tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của nước này, nguồn tin giấu tên cho hay. Nguồn tin nói thêm rằng Israel chưa quyết định được thời điểm tấn công, nhưng dự kiến là "sớm" và có khả năng sẽ không đợi đến khi ngày lễ Rosh Hashanah của người Do Thái kết thúc. Ngày lễ này kéo dài từ lúc mặt trời lặn vào ngày 2-10 cho đến lúc mặt trời lặn vào ngày 4-10.

Báo Times of Israel nhận định, tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế Iran, cũng như ảnh hưởng đến giá dầu trên thị trường thế giới. Nhà phân tích Saul Kavonic tại Công ty Nghiên cứu MST Marquee (Australia), cảnh báo xung đột ở Trung Đông có thể tác động đến nguồn cung dầu và nguy cơ nguồn cung dầu bị gián đoạn đáng kể. Theo ông, khoảng 4% nguồn cung dầu toàn cầu đối diện rủi ro vì cuộc xung đột liên quan đến Iran. Một cuộc tấn công hoặc các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho rằng, việc tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran cũng sẽ gây tổn hại đến dân thường, một động thái mà Israel phần lớn đã tránh lâu nay. Ngoài phương án tấn công các cơ sở dầu mỏ Iran, Israel cũng có thể cân nhắc vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Iran.

Mỹ không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran

Nhằm xoa dịu phản ứng của Israel trước cuộc tấn công tên lửa của Iran ngày 1-10 và ngăn chặn xung đột khu vực đang leo thang nhanh chóng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-10 cho biết ông sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran.

Theo tờ Guardian, nhà ngoại giao hàng đầu của Israel tại LHQ cảnh báo Israel sẽ có hành động đáp trả “mạnh hơn so với những gì Tehran tưởng tượng” trước cuộc tấn công với gần 200 tên lửa đạn đạo của Iran. Cùng ngày, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Trung tướng Herzi Halevi cảnh báo: “Chúng tôi có khả năng tiếp cận và tấn công bất kỳ điểm nào ở Trung Đông”. Tại Tel Aviv, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức an ninh hàng đầu tại trụ sở quốc phòng Israel vào chiều 2-10 để thảo luận về các phương án của nước này sau các cuộc trò chuyện với Washinhgton.

Một điểm chắc chắn là Washington chấp nhận Israel sẽ thực hiện một phản ứng quân sự đối với loạt tên lửa của Iran. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden lo ngại một phản ứng lớn của Israel, đặc biệt là phản ứng nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, có thể khiến căng thẳng khu vực leo thang hơn nữa và kéo lực lượng Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Khi trao đổi với giới truyền thông hôm 2-10, Tổng thống Biden đã được hỏi ông có ủng hộ kịch bản Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran để trả đũa Tehran hay không. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: "Câu trả lời là không".

Nguy cơ khủng hoảng lan rộng Trung Đông diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Tổng thống Joe Biden, khi còn chưa đầy 5 tuần nữa Mỹ bước vào cuộc bầu cử gay cấn và Tổng thống Biden hy vọng sẽ chuyển giao “ngọn đuốc” Nhà Trắng cho phó tổng thống Kamala Harris. Trong khi thể hiện sự ủng hộ từ trước đến nay đối với Israel, Tổng thống Biden đang tìm cách ngăn chặn Mỹ trực tiếp bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Iran khi biết rõ rằng Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe dọa tiềm tàng nhưng không thể gây ra thiệt hại đáng kể cho nước này về mặt quân sự.

Năng lực phòng thủ của Iran và Israel

Theo The Military Balance 2023, do Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh công bố: Iran có 610.000 binh sĩ đang phục vụ, bao gồm 350.000 người trong quân đội, 190.000 người trong IRGC, 18.000 người thuộc hải quân, 37.000 người trong không quân và 15.000 người thuộc phòng không. Iran cũng có quân dự bị là 350.000 người. Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới Iran trên 18 tuổi, với một số trường hợp miễn trừ.

Israel có 169.500 binh sĩ đang tại ngũ, bao gồm 126.000 người trong quân đội, 9.500 thành viên trong hải quân và 34.000 người trong không quân. Israel có quân dự bị là 465.000 người. Israel áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với hầu hết nam thanh niên và nữ thanh niên trên 18 tuổi, với một số trường hợp miễn trừ.

Hệ thống phòng không của Israel dựa vào Vòm sắt (Iron Dome). Hệ thống này trang bị radar phát hiện tên lửa đang bay tới, tốc độ và hướng của nó. Sau đó, trung tâm điều khiển sẽ tính toán xem liệu tên lửa có gây ra mối đe dọa cho các thị trấn của Israel hay không. Tên lửa không gây đe dọa lớn được rơi xuống các cánh đồng trống. Nếu chúng mang nhiều rủi ro, Vòm sắt sẽ phóng tên lửa để bắn hạ chúng. Bệ phóng chứa 20 tên lửa đánh chặn. Có 10 khẩu đội Vòm sắt rải rác khắp Israel. Israel còn sở hữu các hệ thống khác đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm xa. David's Sling đánh chặn tên lửa có phạm vi từ 40km đến 300km. Hệ thống Arrow đánh chặn tên lửa có phạm vi lên tới 2.400km.

Về phần mình, vào tháng 2, Iran đã triển khai tổ hợp phòng không Azarakhsh tầm ngắn, tầm thấp. Azarakhsh có nghĩa là "sét đánh" trong tiếng Ba Tư. Azarakhsh được trang bị radar và hệ thống quang điện để phát hiện và đánh chặn mục tiêu. Nó có thể được lắp trên xe. Iran có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không khác nhau. Trong đó bao gồm hơn 42 tên lửa tầm xa S-200, S-300 do Nga sản xuất và Bavar-373 sản xuất nội địa; hơn 59 tên lửa tầm trung MIM-23 Hawk, HQ-2J và Khordad-15 và 279 tên lửa tầm ngắn CH-SA-4, 9K331 Tor-M1 do Trung Quốc sản xuất.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/israel-xem-xet-dap-tra-gay-thiet-hai-lon-cho-iran-post302305.html