Khai thác tiềm năng, dư địa của kinh tế sáng tạo
Việt Nam được đánh giá đứng trong top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo và vẫn còn nhiều thuận lợi, dư địa để phát triển kinh tế sáng tạo.
Tiềm năng của kinh tế sáng tạo
Cụm từ “kinh tế sáng tạo” đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác và thống nhất cho khái niệm này.
Theo một nghiên cứu về phát triển kinh tế sáng tạo mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua, vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Kinh tế sáng tạo được nhìn nhận khác nhau trong các bối cảnh địa lý khác nhau. Sự ra đời của công nghệ số khiến khái niệm và phạm vi của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp sáng tạo tiếp tục được đổi mới.
Ban đầu, kinh tế sáng tạo gắn chặt với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thiết kế và tập trung nhiều vào các ngành giải trí, thời trang và xuất bản, sau đó được mở rộng ra khoảng 13 ngành khác, bao gồm một số ngành mới như phần mềm giải trí tương tác, phần mềm máy tính. Theo Hệ thống HS, kinh tế sáng tạo bao gồm gần 200 mặt hàng ở cấp độ HS 6 chữ số.
Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể do nhiều nước trên thế giới đang triển khai các biện pháp hỗ trợ công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Theo thống kê của CIEM, Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu bao gồm Hoa Kỳ, Italy, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thụy Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản, với tổng giá trị 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới.
Trong khi đó, Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các nhóm hàng hóa sáng tạo được xuất khẩu giữa nhóm các nước đang phát triển và các nước phát triển. Các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.
Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế sáng tạo
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế sáng tạo của một số nước trên thế giới, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, tại Hàn Quốc, kinh tế sáng tạo được quốc gia này đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn trong năm 2013. Một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao có thể kể đến như trò chơi (2,9 tỷ USD năm 2014); làn sóng Hàn Quốc Hallyu (Hàn Lưu) thông qua điện ảnh và âm nhạc (Kpop)...
Ở Hoa Kỳ, 4,01% tổng số doanh nghiệp và 2,04% lao động đang tham gia các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau. Hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1.020 tỷ USD vào năm 2021. Để hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo, năm 2022, Thượng viện và Hạ viện của Hoa Kỳ đã đưa ra Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương (PLACE).
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế sáng tạo nhờ dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng; tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu…
Theo PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cần có Chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2050 ở tầm quốc gia. Đây là chỗ dựa để tích hợp và khơi nguồn sáng tạo để nguồn lực sáng tạo được “kinh tế hóa”, “giá trị hóa” thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển đột phá.
“Theo cách xem xét đó, kinh tế sáng tạo gắn với sở hữu trí tuệ và khai thác tài sản trí tuệ liên tục và quy mô ngày càng tăng. Hầu hết các lĩnh vực có khả năng sáng tạo cao được thị trường chấp thuận và trả giá cao và rất cao đều có thể trở thành lĩnh vực kinh tế sáng tạo”, ông Lạng nói.
Chia sẻ ý kiến của TS. Lạng về việc phát triển kinh tế sáng tạo cần phải gắn với sở hữu trí tuệ, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, sở hữu trí tuệ chính là năng lượng cho kinh tế sáng tạo, thậm chí là xương sống, là huyết mạch. Theo đó, cần phát huy tiềm năng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực cho phát triển kinh tế sáng tạo.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khai-thac-tiem-nang-du-dia-cua-kinh-te-sang-tao-d210737.html