Khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản
Diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.700 ha, số lồng nuôi cá 4.890 lồng. Năm 2022, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 12 nghìn tấn. Quý I năm nay, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt hơn 3.060 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng 2.577 tấn, gồm các loài cá: nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép...; sản lượng khai thác 486 tấn, chủ yếu là các loại cá tạp và tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Hoạt động khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện, ngư cụ khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 vó đèn. Đối tượng khai thác là các loại cá: vền, ngão, ngần và tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế ngày càng chiếm tỷ lệ thấp. Công tác tuyên truyền về khai thác thủy sản trên hồ sông Đà và các sông, suối lớn, hồ được các địa phương quan tâm triển khai, thông qua các lớp tập huấn, hội nghị kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi, pa nô áp phích; tuyên truyền người khai thác thủy sản sử dụng ngư cụ phù hợp, không khai thác khu vực cá tập trung đến đẻ trứng vào mùa sinh sản, việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống đang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất. Quý I, sản lượng cá giống ước đạt trên 31 triệu con giống các loại.
Tận dụng tiềm năng mặt nước, hồ thủy điện, tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng. Với trên 14 nghìn ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện; hồ thủy điện Hòa Bình với chiều dài trên 80 km, thuộc địa bàn TP Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh tại các địa phương, tập trung chủ yếu khu vực hồ thủy điện Hòa Bình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng cá, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đã ký kết liên danh với các hộ nuôi cá lồng đạt quy chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại Hà Nội.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản cùng các đơn vị thuộc Sở NN& PTNT đã chủ động thực hiện đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, song hầu hết các chỉ tiêu phát triển sản xuất thủy sản năm 2021, 2022 đều đạt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất toàn ngành tăng khá. Năm 2022, giá trị kinh tế ngành thủy sản ước đạt 254 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản đạt 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân một lồng nuôi 50 m3 đạt khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất, cung ứng, kinh doanh, quảng bá vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản được kiểm tra, giám sát; giải pháp tái cơ cấu ngành được triển khai đồng bộ, thực hiện đúng kế hoạch.
Trọng tâm năm 2023, tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế như: cá lăng, chiên, trắm đen, chép, bỗng, rô phi.
Phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát triển thủy sản bền vững; bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, ổn định sản xuất, đời sống của Nhân dân các dân tộc vùng ven hồ thủy điện Hòa Bình gắn với bảo vệ hệ sinh thái, môi trường nước, phát triển du lịch. Phát triển nuôi cá vùng hồ thủy lợi, thủy điện. Sản lượng thủy sản đạt 12 nghìn tấn, trong đó, nuôi trồng đạt hơn 9,5 nghìn tấn, khai thác đạt hơn 2 nghìn tấn.