Khám phá những bí ẩn 'lộ thiên' trên Giao lộ di sản

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, với chủ đề 'Giao lộ sáng tạo' là dịp đặc biệt tôn vinh các công trình kiến trúc và văn hóa lâu đời của Thủ đô.

Lễ hội lần này hứa hẹn giới thiệu đến công chúng và du khách nhiều công trình đặc sắc nằm trên các giao lộ trung tâm, tôn vinh sự sáng tạo vượt thời gian và giá trị văn hóa trường tồn.

Bức họa khổng lồ tại giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên

Nằm trên phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những điểm nhấn của sự kiện, với kiến trúc hoành tráng và chứa đựng bức họa khổng lồ mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa.

Bức họa ở giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên gợi cảm giác như đang ở thánh đường.

Bức họa ở giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên gợi cảm giác như đang ở thánh đường.

Bức họa rộng 11 m x 7 m, do họa sĩ Victor Tardieu sáng tác, là tác phẩm đặc biệt kết hợp giữa nghệ thuật châu Âu và chất Việt. Ở trung tâm bức tranh, cổng tam quan truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ được vẽ dưới bóng cây cổ thụ lớn. Hai bên cổng là câu đối về sự học, thể hiện rõ tinh thần "Nhân tài là nguyên khí quốc gia", một trong những tư tưởng chủ đạo của giáo dục Việt Nam. Xung quanh cổng tam quan là hình ảnh sinh động về cuộc sống của người Việt Nam trong thế kỷ 20, từ thời Pháp thuộc, với sự xuất hiện của cả người bản xứ và người Pháp.

Kiến trúc của giảng đường với mái vòm cao, cột lớn và không gian mở, tạo cảm giác như bước vào thánh đường của tri thức, tôn vinh nền giáo dục và nghệ thuật của Việt Nam trong thời kỳ giao thoa văn hóa Đông - Tây.

Kiến trúc Đông Dương: Sự kết hợp giữa văn hóa Việt và phương Tây

Một điểm thú vị khi khám phá các công trình kiến trúc tại Hà Nội là phong cách Đông Dương, phong cách độc đáo được kết hợp từ kiến trúc phương Tây và họa tiết trang trí của phương Đông. Các kiến trúc sư người Pháp đã tài tình pha trộn những chi tiết thuần Việt vào các công trình phương Tây, tạo ra phong cách riêng.

Nét kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương ở Đại học Tổng hợp.

Nét kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương ở Đại học Tổng hợp.

Điển hình là khu vực phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông, tập trung những công trình kiến trúc nổi tiếng như Ngân hàng Nhà nước, Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), Nhà hát Lớn và Đại học Tổng hợp... tạo nên một không gian hài hòa giữa lòng thành phố nhộn nhịp.

Bắc Bộ phủ và những “vết sẹo” của lịch sử

Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ, nằm trên giao lộ trung tâm của Hà Nội, cũng là một trong những điểm đến không thể bỏ qua tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Công trình này không chỉ nổi bật với kiến trúc hoành tráng, mà lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầy bi tráng.

Nhà khách Chính phủ đã quen thuộc, nhưng không nhiều người để ý những vết đạn 80 năm tuổi.

Nhà khách Chính phủ đã quen thuộc, nhưng không nhiều người để ý những vết đạn 80 năm tuổi.

Bắc Bộ phủ ghi dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và ban hành nhiều quyết định quan trọng của chính quyền cách mạng.

Nhà hát Lớn Hà Nội: Biểu tượng của nghệ thuật và kiến trúc

Nằm ở trung tâm Thủ đô, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là công trình kiến trúc nổi bậ, mà còn là biểu tượng của văn hóa và nghệ thuật. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, việc xây dựng Nhà hát Lớn đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật, với 35.000 chiếc cọc tre được đóng xuống để tạo nền móng vững chắc.

Nhà hát Lớn, địa điểm “check-in” ẩn chứa nhiều kho tàng bí mật.

Nhà hát Lớn, địa điểm “check-in” ẩn chứa nhiều kho tàng bí mật.

Nhìn từ bên ngoài, Nhà hát Lớn với những cột đá cao vút và các chi tiết trang trí tinh xảo, gợi lên hình ảnh của những cung điện châu Âu. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của công trình này là nội thất bên trong, với không gian rộng lớn, lộng lẫy như một nhà hát lớn ở Pháp, nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử và văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.

Viện Viễn Đông Bác cổ – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Nằm ngay sau Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trước kia là Viện Viễn Đông Bác cổ, là một công trình mang đậm nét kiến trúc Đông Dương. Đây là ví dụ điển hình về sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và các yếu tố trang trí phương Đông. Tòa nhà này đã sử dụng nhiều chi tiết mang đậm chất Á Đông, từ các hoa văn, cột trụ, đến các mái cong đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lựa chọn làm bối cảnh cho một trong những pavillon điểm nhấn của Lễ hội 2024.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lựa chọn làm bối cảnh cho một trong những pavillon điểm nhấn của Lễ hội 2024.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là cơ hội để khám phá những công trình kiến trúc nổi tiếng, mà còn là dịp tôn vinh sự sáng tạo và những giá trị văn hóa trường tồn của Thủ đô. Các giao lộ di sản là những điểm giao thoa giữa các con đường, giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Du khách đến Hà Nội trong dịp này sẽ có cơ hội hiểu sâu hơn về những công trình kiến trúc độc đáo và những câu chuyện lịch sử đầy thú vị nằm ẩn sau từng viên gạch, cột đá của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Lê Phú/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/kham-pha-nhung-bi-an-lo-thien-tren-giao-lo-di-san-20241022145635513.htm