Khát khao mang tiếng hát đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp miền biên giới

4 năm gắn bó với Đoàn Văn công BĐBP, đôi chân của nữ Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy (Hellen Thủy) đã đi đến nhiều vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Với chị, được đem lời ca, tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân tại những địa bàn nóng bỏng, khó khăn luôn mang lại niềm phấn khởi, vinh dự và tự hào.

Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy.

Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy.

Những lần đến Đoàn Văn công BĐBP, tôi đã may mắn được làm quen với một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, sôi nổi, nhiệt huyết có cái tên đẹp Nguyễn Thị Thủy và đặc biệt khi nữ ca sĩ ấy cất lên tiếng hát khiến người nghe bồi hồi xúc động. Thế rồi, chúng tôi thường giữ mối liên lạc với nhau qua Facebook và tôi cũng biết rằng, Hellen Thủy thường xuyên ra mắt MV âm nhạc.

Đó đều là những sản phẩm âm nhạc được chị thai nghén, ấp ủ, tâm huyết đầu tư tốt nhất cho cả hình ảnh lẫn âm thanh, như: “Nhà em ở lưng đồi”, “Em là cô giáo vùng cao”, “Xuân lỡ hẹn”, “Mùa chim én bay”, “Tìm về đất mẹ”, “Thiên thần áo trắng”, “Nếu anh không về”, “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”, “Tình anh”, “Tâm sự nàng xuân” và gần đây nhất là MV “Sơn La đón Bác Hồ về” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (thơ Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội).

Ca sĩ Hellen Thủy cho biết, chị yêu thích những ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc với ca từ, giai điệu đến các loại nhạc cụ quyện vào nhau, tạo nên dải âm thanh bay bổng rất đẹp, rất tình. Chính vì muốn lưu giữ lại khoảnh khắc đáng nhớ và đẹp đẽ ấy trước khi hành quân đi công tác đến Sơn La tháng 5/2022 vừa qua, chị đã cho ra mắt MV “Sơn La đón Bác Hồ về”.

“Tôi nghĩ, vượt qua không gian và theo cùng năm tháng, những bài hát viết về Tây Bắc đã, đang và sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để đồng bào và chiến sĩ trên mảnh đất thân yêu này gắn bó, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cũng nhờ những ca khúc đó, miền quê Tây Bắc trở nên hùng vĩ, tươi đẹp hơn và con người Tây Bắc đáng yêu hơn trong trái tim đồng bào cả nước, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc Việt Nam hiện đại” - chị trải lòng.

Nữ ca sĩ lý giải, niềm đam mê âm nhạc của mình không phải nhất thời. Chị vẫn muốn hiện tại mình phải hát tốt hơn hôm qua và không ngừng cố gắng cho ngày mai. Chính vì vậy, với mỗi sản phẩm âm nhạc ra mắt, chị đều đặt trọn tâm huyết, tình yêu và sự biết ơn những người yêu mến mình trong đó. “Việc ra MV là tôi muốn dành sự tri ân tới tất cả mọi người trong những năm tháng qua vẫn luôn âm thầm dõi theo và ủng hộ tôi. Và từ đây đến cuối năm, tôi vẫn đang ấp ủ rất nhiều MV và sản phẩm âm nhạc. Tôi biết, âm nhạc là một cuộc chơi không có điểm dừng, chính vì thế, việc ra mắt MV cũng là cách để tôi học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức để mang lời ca, tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên khắp mọi miền biên giới” - chị chia sẻ.

Hellen Thủy đến với âm nhạc cũng hết sức tình cờ. Sinh năm 1993, quê gốc Quảng Bình, sinh ra ở miền đất nắng gió Bình Thuận, Nguyễn Thị Thủy đến với âm nhạc và khát khao trở thành ca sĩ-chiến sĩ khi tình cờ nghe loa phát thanh ở thôn phát bài “Con gái mẹ trở thành chiến sĩ” của nhạc sĩ Thuận Yến. Hơn nữa, việc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, bờ biển năm 2011 (do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh) khiến Hellen Thủy càng khát khao được mang tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân khắp các vùng biên giới, hải đảo. Năng động, tâm huyết và nhiều nỗ lực, cố gắng, chị đã sở hữu những thành tích đáng mơ ước, như: Huy chương Vàng Giai điệu tuổi hồng toàn quốc năm 2012; giải Nhất dòng nhạc dân gian trên sóng truyền hình Quảng Ninh năm 2015; tốp 9 Sao Mai dòng nhạc dân gian toàn quốc năm 2015; quán quân Thần tượng bolero năm 2017...

Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy biểu diễn tại Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy biểu diễn tại Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hellen Thủy luôn nhận thức là một chiến sĩ, ca sĩ trong BĐBP là rất đỗi vinh dự, tự hào. “Khi quyết định chọn về công tác tại Đoàn Văn công BĐBP, tôi luôn nêu cao tinh thần “Ở đâu khó, có chúng tôi”, sẵn sàng tâm thế khi chỉ huy giao nhiệm vụ là lên đường ngay. Biết rằng có những khi phải thức khuya, dậy sớm để hành quân đến những nơi khó khăn, gian khổ, rồi đường đi lại xa xôi, nguy hiểm, nhưng là người lính, tôi luôn vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi đó. Động lực chính là lòng yêu nghề, tình yêu dành cho lực lượng quân hàm xanh và đặc biệt là tình cảm rất gần gũi thân thương của cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân khắp miền biên giới dành cho chúng tôi. Tôi biết rằng, những nơi chúng tôi đến biểu diễn, đời sống bà con còn rất nhiều thiếu thốn nên lời ca, tiếng hát của mình sẽ đem lại giá trị tinh thần to lớn, cổ vũ bà con vượt lên mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới ấm no”.

Những lần tôi trò chuyện với Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP về ca sĩ Nguyễn Thị Thủy, nhớ lại lần trực tiếp theo dõi phần thi của Thủy tại Liên hoan Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, bờ biển năm 2011, khi chị được Ban Giám khảo cho điểm cao nhất về hát đơn ca, anh đã nghĩ đến một nữ ca sĩ “ngôi sao xanh” BĐBP tương lai, sẽ tỏa sáng ở nhiều sân khấu trên cả nước và đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân các dân tộc trên biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Và quả thực, sau 4 năm gắn bó với Đoàn Văn công BĐBP, giọng hát của Hellen Thủy càng chất chứa một tình yêu đặc biệt với biên giới và BĐBP, như nhận xét của Đoàn trưởng Nguyễn Tuấn Anh: “Hellen Thủy là nữ ca sĩ có khát vọng lớn, khát vọng cống hiến, thành công và tỏa sáng”.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khat-khao-mang-tieng-hat-den-voi-can-bo-chien-si-va-nhan-dan-tren-khap-mien-bien-gioi-post454114.html