Nghiên cứu đưa 'Con tàu tập kết' vào quần thể 'danh thắng Sầm Sơn'

Tp.Sầm Sơn đang xem xét về ý tưởng đề xuất Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào quần thể di tích quốc gia đặc biệt 'danh thắng Sầm Sơn'.

Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn cho biết, Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là niềm mơ ước, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tp.Sầm Sơn và nhất là những nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia tập kết trên các chuyến tàu.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ là “địa chỉ đỏ” để người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch và tìm hiểu, ôn lại các giá trị truyền thống tốt đẹp, hào hùng của lịch sử dân tộc. Đồng thời, công trình với kiến trúc mỹ thuật hài hòa hứa hẹn sẽ là địa điểm thu hút du khách, đa dạng hóa sản phẩm tại thành phố du lịch Sầm Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Sự kiện cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ký hiệp định Giơnevơ và chuyến tàu tập kết tại Tp.Sầm Sơn.

Sự kiện cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ký hiệp định Giơnevơ và chuyến tàu tập kết tại Tp.Sầm Sơn.

"Hiện thành phố đang xem xét và dự kiến tham khảo xin ý kiến từ các đơn vị chuyên trách về ý tưởng đưa khu lưu niệm vào quần thể di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Sầm Sơn. Tuy nhiên, việc này cần được các đơn vị chuyên môn cùng với thành phố đánh giá kỹ về quy mô, tầm vóc, tính chất phù hợp các quy định pháp luật hiện hành", ông Lê Văn Tú cho biết.

Trước đó, tối 1/9, tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, tại Tp.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng với Tp.Hồ Chí Minh và Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm ký hiệp định Giơnevơ và chuyến tàu tập kết... Dự án Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, tại Tp.Sầm Sơn là một công trình được đầu tư quy mô và mang giá trị lịch sử cách mạng to lớn.

Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng ven bờ sông Mã thuộc phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn. Dự án thực hiện trên diện tích hơn 40.000m2, khởi công vào cuối tháng 8/2022, do UBND Tp.Sầm Sơn làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Tp.Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.

Dự án gồm các hạng mục gồm: tượng đài con tàu tập kết ra Bắc được làm bằng bê tông cốt thép, có diện tích khoảng 3.200m2 và khu lưu niệm.

Khu lưu niệm được chia làm ba phân khu, trong đó khu A rộng khoảng 13.600m2 được coi là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung. Các hạng mục của khu lưu niệm bao gồm: tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung; nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, chiếu phim tư liệu và công trình phụ trợ; 3 lán trại mô phỏng nơi ăn ở sinh hoạt và con đường ký ức.

Bia nêu về sự kiện "tập kết ra Bắc" tại cảng Hới, Tp.Sầm Sơn.

Bia nêu về sự kiện "tập kết ra Bắc" tại cảng Hới, Tp.Sầm Sơn.

Dự kiến dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sẽ được khánh thành vào ngày 27/10 tới đây. Đồng thời, tại lễ khánh thành các đơn vị chức năng liên quan sẽ phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc dự kiến tổ chức vào 20h cùng ngày.

Khu lưu niệm được phối cảnh hài hòa, đep mắt. Ngoài giá trị lịch sử to lớn, khu lưu niệm được kỳ vọng sẽ là điểm thu hút du khách tại Tp.Sầm Sơn.

Khu lưu niệm được phối cảnh hài hòa, đep mắt. Ngoài giá trị lịch sử to lớn, khu lưu niệm được kỳ vọng sẽ là điểm thu hút du khách tại Tp.Sầm Sơn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ1954, ngày 15/10/1954, tại cảng Hới, phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn, chính quyền cùng người dân địa phương đã đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Tại địa điểm này sau đó đã đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong 7 đợt (từ 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Với những đóng góp đó, Thanh Hóa được xem là hậu phương lớn, đón đồng bào, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo rất nhiều cán bộ, chiến sỹ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu.

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghien-cuu-dua-con-tau-tap-ket-vao-quan-the-danh-thang-sam-son-204241005104638819.htm