Khát vọng viết sử bằng rối nước

Ghi chép lịch sử bằng các loại hình văn hóa vật thể hay phi vật thể thì đã có, nhưng viết sử bằng nghệ thuật múa rối dường như là lần đầu tiên...

Nhà viết kịch, nghệ sĩ biểu diễn Trịnh Vũ Thìn (trái) và NSƯT Đặng Duy Bằng tại xưởng làm rối nước ở Hà Đông. (Ảnh: George John Newman)

Nhà viết kịch, nghệ sĩ biểu diễn Trịnh Vũ Thìn (trái) và NSƯT Đặng Duy Bằng tại xưởng làm rối nước ở Hà Đông. (Ảnh: George John Newman)

Tình cờ trong chuyến thăm làng nghề tại Hà Đông (Hà Nội), tôi gặp nhà viết kịch, nghệ sĩ biểu diễn Trịnh Vũ Thìn. Ông từng đảm trách vị trí Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn - Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn - Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đi cùng ông là NSƯT Đặng Duy Bằng - họa sĩ chế tác con rối. Qua một người bạn, tôi biết hai ông đang cùng triển khai đề án dùng nghệ thuật múa rối để khắc họa lịch sử, mang tên “Dân ta phải biết sử ta”, thông qua những nhân vật rối nước, đặc biệt là các nhân vật lịch sử.

Làm nghệ thuật có trách nhiệm

Nhà viết kịch Trịnh Vũ Thìn sinh ra tại phường rối nước làng Nguyễn (xã Nguyên Xá), một trong hai phường rối nước duy nhất cho đến nay còn phát triển và được đánh giá cao trong nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Lớn lên cùng với nghệ thuật rối nước nên chuyện ông gắn bó với nghệ thuật này cả đời cũng dễ hiểu. Nhiều lần đưa các đoàn múa rối nước đi biểu diễn ở các nước Pháp, Đan Mạnh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Australia…, ông Trịnh Vũ Thìn ngày càng thấm thía giá trị của văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật rối nước có một không hai trên thế giới này.

Ông cho biết, múa rối phổ thông có đặc sắc nhưng chỉ là những tích trò hoạt động dân gian bình thường như chú Tễu làm ruộng và đánh cá hay các trò giải trí phản ánh sinh động lễ hội nông nghiệp như đấu vật, chọi gà, đua thuyền, bơi chải, chọi trâu, đánh đu. Một số đoàn biểu diễn các tích đối với nhân vật lịch sử như Lê Lợi trả gươm, hay bà Trưng bà Triệu... nhưng số lượng rất ít và tích trò rời rạc.

Chính vì vậy, ông nảy ra ý tưởng xây dựng đề án viết lịch sử bằng rối, nhằm xây dựng những nhân vật trong các thời kỳ tiêu biểu.

“Mới đầu cũng khó khăn lắm, mà khó khăn nhất chính là những người yêu quý và lo lắng cho mình nên không muốn mình dấn thân vào một đề án khó”, ông Thìn chia sẻ. Ngay như cậu con trai ông, là người làm trong ngành cũng nói với bố: Đề án thì tốt nhưng mà khó vì đoàn rối khá đông người, đưa đi nước ngoài rất khó và tốn kém. Rồi những nhân vật rối lại là những nhân vật mới, tìm người làm được cũng khó...

Khó chồng khó, nhưng từng bước một, ông thuyết phục người thân trong gia đình. Ông giải thích, nếu một đề án tốt và chưa ai làm thì mình phải làm. Tài chính không phải cái khó nhất mà phải làm sao cho nội dung thật thành công. “Có đạo diễn khuyên tôi rằng, tôi đã có đoàn nghệ thuật rồi thì cứ đi biểu diễn các tích cũ để kiếm tiền là được. Nhưng với tôi, nghệ thuật là không ngừng sáng tạo. Nếu như đã xác định được hướng đi đúng thì sẽ phải đi sao cho chuẩn, cho thành công”, ông nói.

Cái khó tiếp theo là phải tìm một nghệ sĩ có óc sáng tạo, có tâm, có tầm lại phải biết làm rối nước. Rồi ông tìm thấy NSƯT Đặng Duy Bằng - họa sĩ chế tác con rối nổi tiếng, cũng tâm đắc với ý tưởng đề án. Tuy nhiên, sáng tác nghệ thuật liên quan đến lịch sử đòi hỏi sự chỉn chu và tôn trọng lịch sử tối đa nên hai ông vừa làm vừa trăn trở.

Tồn tại hay không tồn tại?

Tôi mang suy tư của mình chia sẻ với cả hai ông, rằng dường như nhiều năm trở lại đây, nghệ thuật rối nước không còn là độc quyền của các phường rối ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thực tế cho thấy, ở nhiều phương hoạt động du lịch đều có đoàn rối. “Nhà nhà biểu diễn rối, người người biểu diễn rối”. Vậy thì nội dung viết sử bằng rối có vẻ như “sinh sau đẻ muộn”, liệu có cạnh tranh nổi trong bối cảnh ấy không?

Hiểu băn khoăn của tôi, ông Thìn chia sẻ: “Tôi từng đưa nghệ thuật rối nước đi biểu diễn phục vụ khán giả ở nhiều nơi, kể cả khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Dù hiện nay số lượng đoàn rối nước tăng lên khá nhiều, song tôi vẫn tin đoàn nghệ thuật Rối Việt mà chúng tôi đang xây dựng sẽ trụ vững và phát triển với những bước đi riêng”.

Bản thân ông “có dịp về các địa phương, tìm hiểu, tiếp xúc với các nghệ nhân của các phường rối tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và thấy rằng, mỗi phường rối đều có rất nhiều trò diễn, trong đó có những trò độc lạ. Hiện nhiều trò diễn quý hiếm truyền thống chưa được sưu tầm, khai thác và xuất hiện trong chương trình biểu diễn của các đoàn trên cả nước (kể cả chuyên nghiệp và không chuyên). Do doanh thu, hạch toán kinh tế trong hoạt động du lịch, nhiều đoàn còn đi theo hướng “ăn xổi” nên chỉ sao chép một vài trò, tiết mục có sẵn của các đoàn khác rồi cứ thế biểu diễn, lặp đi lặp lại”.

Vì vậy, theo ông, “chương trình của những đoàn này đều na ná giống nhau, các tiết mục đơn điệu, nhàm chán, kém hấp dẫn”.

Nhà viết kịch, nghệ sĩ biểu diễn Trịnh Vũ Thìn và NSƯT Đặng Duy Bằng. (Ảnh: George John Newman)

Nhà viết kịch, nghệ sĩ biểu diễn Trịnh Vũ Thìn và NSƯT Đặng Duy Bằng. (Ảnh: George John Newman)

Phát triển múa rối bền vững

Với sự tự tin và kinh nghiệm chắt lọc sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, nhà viết kịch Trịnh Vũ Thìn cho rằng, trong bối cảnh múa rối có thực trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay thì yếu tố cốt lõi để cạnh tranh đó là phải xác định được đối tượng khán giả chương trình hướng đến. Trên cơ sở đó, mỗi đoàn phải xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ và hấp dẫn, mang đậm ý nghĩa, màu sắc dân gian, dân tộc. Ngoài ra, các đoàn cần liên tục tìm tòi trò diễn độc lạ ở các phường rối để kế thừa, sáng tạo nên các trò diễn mới đưa vào chương trình.

Trở lại với đề án đang triển khai, ông cho biết thêm: “Dân ta phải biết sử ta” là chương trình múa rối mang đầy đủ các yếu tố trên. Múa rối nước của Việt Nam đã thực sự khẳng định được giá trị độc tôn trong kho di sản văn hóa nước nhà, trở thành tài sản vô giá, được xếp vào loại hình nghệ thuật biểu diễn quý hiếm “có một không hai” trên thế giới. Múa rối nước cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ông Thìn cho biết, đề án cũng hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Dù ở đâu, bà con vẫn luôn nhắc nhở nhau ghi nhớ và tự hào truyền thống lịch sử cha ông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết, hướng về đất mẹ Việt Nam thân yêu. Trong số những người con xa xứ ấy còn có cả các thế hệ thứ hai, thứ ba cũng luôn mong muốn tìm về cội nguồn để hiểu rõ lịch sử dựng và giữ nước hào hùng, vẻ vang của dân tộc mình. Tất cả đều xuất phát từ ý thức trách nhiệm đối với đất nước, khát vọng đem tài năng, tâm sức, nguồn lực kinh tế, trí tuệ của mình đóng góp cho quê hương.

Với hình thức kể chuyện lịch sử Việt Nam bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật múa rối nước truyền thống, đề án “Dân ta phải biết sử ta” không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử mà còn tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước cho các thế hệ người Việt Nam nói chung và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Đất nước ta đã trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khó, chiến thắng thiên tai, địch họa, giặc ngoại xâm, dựng nên nước Việt Nam mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời từng nhận định, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với một đề án có nội dung thực sự ý nghĩa, được dẫn dắt bởi vị đạo diễn dày dạn kinh nghiệm và tâm huyết với nghề như ông Trịnh Vũ Thìn, tôi có niềm tin rằng “Dân ta phải biết sử ta” sẽ sớm thành công rực rỡ.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khat-vong-viet-su-bang-roi-nuoc-288753.html