Khi ý Đảng hợp lòng dân

Cán bộ NHCSXH Phú Yên kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay ở TX Sông Cầu. Ảnh: LÊ HẢO

BÀI 2: Điểm tựa quan trọng của chính sách giảm nghèo

Từ khi triển khai Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 231.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền gần 5.200 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn “mồi” quan trọng để người dân mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống gia đình.

Hơn 27.000 hộ thoát nghèo

Gia đình anh Bùi Văn Hớn ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) vốn là hộ nghèo ở địa phương. Vợ mất sớm, để lại cho anh 2 con gái nhỏ; khi đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì tháng 6/2019, hộ anh Hớn được địa phương bình xét vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với số tiền 25 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh bắt tay “khởi nghiệp” bằng việc trồng nấm và cải tạo hồ thả nuôi cá. Sau vài lần thất bại, anh Hớn rút được kinh nghiệm và đã trồng nấm thành công, thu hoạch sản phẩm đem bán, mang lại thu nhập ổn định. Những tháng đầu năm nay, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, là trụ cột chính trong gia đình, anh Hớn vẫn cần mẫn chăm lo trại nấm, cải tạo ao nuôi cá để phát triển kinh tế, cố gắng vượt nghèo. “Hiện nay, tôi đang lên kế hoạch mở rộng thêm 1 trại nấm nữa. Nếu thời tiết thuận lợi, nấm phát triển tốt, có đầu ra ổn định, tôi sẽ sớm trả được nợ ngân hàng và ổn định cuộc sống gia đình”, anh Hớn tâm sự.

Chờ nhận vốn hộ mới thoát nghèo tại điểm giao dịch xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), ông Nguyễn Thành Lực ở thôn Thạch Tuân 1 cho hay: Đây là lần thứ ba tôi vay vốn tín dụng chính sách. Nhờ nguồn vốn này, từ một hộ nghèo, cả nhà 6 người phải chạy ăn từng bữa, đến nay, gia đình tôi đã thoát hẳn diện nghèo, lại có mấy con bò làm “của để dành”, phòng những khi đau ốm.

Tại thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), bà Mang Thị Phơi cũng được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 8 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo dân tộc thiểu số để trồng sắn, nuôi bò. Nay bò đẻ ra thêm 2 con, nên gia đình bà có 3 con bò và đang tiếp tục nuôi, chưa bán con nào. Bà Phơi cho biết: “Khi nào nợ đến hạn, bà mới bán bớt bò để trả nợ. Số bò còn lại, bà tiếp tục nuôi để làm vốn. Nhờ ngân hàng mà gia đình bà mới mua được bò về nuôi, mới có tiền để dành nên cái bụng không lo đói nữa”.

Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, Chỉ thị 40-CT/TW ra đời đúng thời điểm các cấp ủy, chính quyền ra sức thi đua thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần XVI, trong đó lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Do đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong gần 6 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn, miền núi phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo được sự đồng tình trong nhân dân, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 từ 12,62% xuống còn 2,54% (cuối năm 2020).

Đồ họa: VIỆT AN

Đồ họa: VIỆT AN

Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên

Trong số các chương trình cho vay mà NHCSXH đang quản lý, ngoài các chương trình cho vay phát triển SXKD như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm thì còn nhiều chương trình cho vay cải thiện đời sống người dân như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), học sinh sinh viên (HSSV), cho vay nhà ở xã hội, cho hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở... Do đó, với tín dụng chính sách, tấm lưới an sinh xã hội được phủ rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đối tượng thụ hưởng cũng ngày càng tăng lên.

Là một hộ vay được 3 chương trình tín dụng của NHCSXH là hộ SXKD vùng khó khăn, HSSV, NS&VSMTNT với số vốn lên đến gần 100 triệu đồng, bà Phan Thị Nhường ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa cho hay: Nguồn vốn vay ngân hàng không phải là gánh nặng mà là động lực để chúng tôi tích cực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, vốn SXKD vùng khó khăn, chúng tôi dùng để trồng mía, nuôi bò; vốn HSSV thì để đóng học phí cho con; còn vốn NS&VSMTNT để nâng cấp công trình nước sạch, vệ sinh. Đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, không những giúp kinh tế gia đình khá lên, con cái được học hành đến nơi đến chốn, mà điều kiện sống của gia đình cũng được cải thiện.

Theo ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), toàn xã hiện có 1.192 hộ, 59,4% trong số này là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất thấp, thời gian vay dài, bà con an tâm sử dụng vốn để trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư cho con em đi học, xây dựng các công trình dân sinh… “Nhìn lại quá trình gần 6 năm thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có thể thấy rằng chủ trương này tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân trên toàn xã nói chung. Hàng năm, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân từ 4-4,5%, riêng năm 2019 giảm đến 7%. Hiện toàn xã còn 252 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 21,14%. Các tiêu chí về việc làm, môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã cũng dần được hoàn thiện”, ông Tây nói.

Còn theo ông Lơ Mô Tu, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, từ khi thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW đến nay, hàng năm, trên địa bàn huyện có trên 3.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để SXKD, phát triển kinh tế. Trong đó có hơn 800 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hơn 8%/năm; tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động; hơn 560 HSSV thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 2.350 công trình NS&VSMTNT được xây dựng, cải tạo mới; gần 2.200 gia đình thuộc vùng khó khăn được vay vốn SXKD... Những con số này một lần nữa khẳng định, tín dụng chính sách là công cụ chủ lực, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

BÀI CUỐI: Nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/242899/khi-y-dang-hop-long-dan.html