Không để bất công với người bị hại

Sáng 21-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

Dù ủng hộ sự cần thiết ban hành luật nhưng đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề nghị dự thảo cần có sự cân bằng trong xây dựng chính sách. Theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, nếu quá chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích của NCTN phạm tội, sẽ không công bằng với nạn nhân, nhất là người bị hại là NCTN. Dẫn lời một chuyên gia pháp luật hình sự, bà Hoa nói các biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội cần nhân đạo nhưng cũng không được quá dễ dãi, vì có thể sẽ làm hỏng nhân cách của NCTN. Nữ ĐB này viện dẫn quy định tại dự thảo về việc cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng được áp dụng biện pháp chuyển hướng (xin lỗi, đưa vào trường giáo dưỡng…). Trong những tội danh này, có tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. ĐB Hoa đề nghị cần cân nhắc quy định này bởi Bộ Luật Hình sự hiện hành không cho phép áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu người phạm tội phạm vào 2 tội danh nêu trên. Bà Hoa cho rằng nếu NCTN phạm tội được áp dụng xử lý chuyển hướng bằng cách chỉ xin lỗi là xong thì rất bất công với bị hại, không bảo đảm tính giáo dục.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, cũng đánh giá dự thảo phân bố hiện nay chưa hợp lý về nội dung cho 2 nhóm NCTN phạm tội và NCTN là người bị hại, người làm chứng. Theo ĐB Hạnh, dự thảo có nhiều chính sách giảm nhẹ cho NCTN phạm tội nhưng chính sách cho người bị hại và người làm chứng rất mờ nhạt. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo cân đối, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của 2 nhóm này. "Đôi khi chúng ta quá bao dung với NCTN phạm tội sẽ vô tình làm tăng nỗi đau và sự mất mát của người bị hại, người làm chứng và gia đình họ" - bà Hạnh nói.

Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng dự thảo luật đang tập trung vào các chính sách đối với NCTN phạm tội, còn các biện pháp bảo vệ bị hại là NCTN thì chưa đầy đủ. Ông Nghĩa đồng ý việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng khuyến nghị phải cân bằng lợi ích, bởi xử lý chuyển hướng đồng nghĩa người bị hại mất quyền kháng cáo, viện kiểm sát mất quyền kháng nghị. "Trường hợp không may bỏ lọt tội phạm mà người bị hại không thể kháng cáo thì rất cần phải cân nhắc" - ông Nghĩa nói.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Trong đó, nội dung nổi bật nhất theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8 (sớm 5 tháng so với quyết nghị của QH).

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-bat-cong-voi-nguoi-bi-hai-196240621225455858.htm