Không khí hào hùng Ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954 qua những trang báo: Trời thu mà đẹp như ngày Tết

'Cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh Tháp Rùa rồi. Trời thu mà đẹp như ngày Tết.70 năm sau, chúng ta có thể bắt gặp lại không khí ấy khi lần giở những trang báo được xuất bản trong hoặc cận kề ngày Thủ đô được giải phóng'- đó là một đoạn miêu tả đầy xúc cảm của nhà báo Thép Mới (1925-1991) trong ký sự 'Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên' trên báo Nhân Dân. Và đó chỉ là một trong rất nhiều bài báo đã ra đời ngay giữa những ngày lịch sử của Thủ đô cách đây 70 năm.

Ngày 30/9/1954, sau 80 ngày đêm tranh đấu chính trị, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.

Ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) đã là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội với nhiệm vụ tiếp nhận bàn giao các vị trí đóng quân của Pháp, đảm bảo an toàn cho đại quân sẽ tiến vào tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954.

16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. 16 giờ 30 cùng ngày, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Mấy chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - quyết thắng”. 15 giờ ngày 10/10/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.

Diễn biến của công cuộc tiếp quản và ngày giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm đã được phản ánh khá sinh động trên các trang báo xuất bản trước, trong và ngay sau ngày lịch sử 10/10/1954.

"Thủ đô giải phóng, công nhân và nhân dân Hà Nội chúng ta bước sang một trang mới"

 Trang nhất số báo Lao Động 273 xuất bản đúng ngày 10/10/1954. Ảnh: Báo L.Đ.

Trang nhất số báo Lao Động 273 xuất bản đúng ngày 10/10/1954. Ảnh: Báo L.Đ.

Trong số này, không thể không kể đến một ấn phẩm hết sức đặc biệt, xuất bản đúng ngày Thủ đô chính thức hoàn toàn giải phóng với loạt bài viết chuyên sâu về sự kiện lịch sử này. Cách đây hai năm, báo Lao động đã có bài viết chia sẻ về số báo đặc biệt này.

Theo đó, số báo xuất bản đúng ngày 10/10/1954 là báo Lao động số 273, 4 trang giấy in sắp chữ trên khổ giấy A3, măng sét in màu đỏ tươi với hình Quốc kỳ tung bay trong gió cùng cánh chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình.

Trên trang nhất, ngay dưới dòng thông tin "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ X" và măng sét báo là một loạt các tin bài nổi bật, trong đó nổi bật là bài viết chiếm dung lượng lớn là bài viết với tiêu đề “Chào mừng Thủ đô giải phóng”.

Ngay mở đầu bài viết, đã là những dòng viết tựa như lời thông báo đầy hoan ca: “Thủ đô yêu quý của chúng ta đã giải phóng. Thủ đô giải phóng! Tiếng reo vui sướng ấy ngân vang mãi. Niềm hân hoan phấn khởi tràn ngập lòng người. Hơn tám năm chúng ta khao khát mong đợi niềm vui tưng bừng ấy".

“Hôm nay chấm dứt những ngày u ám đau thương, Thủ đô Hà Nội sung sướng đón mừng tự do dân chủ đã trở lại. Hôm nay dưới ánh sáng hòa bình và màu cở đỏ sao vàng rừng rực, từ Thủ đô yêu quý, chúng ta gửi lời chào giai cấp công nhân và nhân dân các nước bạn và thế giới đã luôn luôn ủng hộ cổ võ chúng ta, giúp chúng ta nâng cao thêm sức mạnh chiến đấu để đạt thắng lợi ngày nay” - bài viết khẳng định.

Bài viết nhấn mạnh “... Thủ đô giải phóng, công nhân và nhân dân Hà Nội chúng ta bước sang một trang mới: sát cánh cùng toàn dân làm cho Thủ đô mãi mãi yên vui tươi sáng và ngày càng phồn thịnh".

 Báo Lao Động còn đăng tải lời kêu gọi lao động Thủ đô của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong dịp Thủ đô được giải phóng. Ảnh: Báo Lao Động

Báo Lao Động còn đăng tải lời kêu gọi lao động Thủ đô của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong dịp Thủ đô được giải phóng. Ảnh: Báo Lao Động

"Mau chóng xây dựng lại đời sống hòa bình hạnh phúc"

Đặc biệt, bài viết khẳng định: "Chào mừng Thủ đô giải phóng, chúng ta quyết tăng cường đoàn kết phấn đấu để đạp tan những âm mưu của chúng, quyết phát triển hơn nữa thắng lợi vừa thu được, quyết mau chóng xây dựng lại đời sống hòa bình hạnh phúc của chúng ta”.

Tác giả bài báo cũng không quên nhắc nhớ rằng: “Chúng ta hướng về anh chị em miền Nam thân yêu giờ đây đang đấu tranh chính trị gay go. Chúng ta tỏ tình thống nhất thiêng liêng Nam Bắc một nhà, và quyết cùng anh chị em ra sức phấn đấu để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề trước mắt”.

Cũng trên trang nhất số báo đặc biệt ra ngày 10/10/1954, trên tư cách là tờ báo của giới công nhân lao động, báo Lao động còn đăng tải lời kêu gọi lao động Thủ đô của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong dịp Thủ đô được giải phóng. Sau khi rút tít với tựa đề "Để củng cố thắng lợi, để làm tròn nhiệm vụ của lao động Thủ đô trong thời gian tới", bài viết nhấn mạnh lời kêu gọi “đoàn kết rộng rãi mọi từng lớp lao động, không phân biệt tôn giáo, xu hướng, chính kiến, tổ chức khác nhau, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, cùng toàn dân nỗ lực phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.

Trong bài viết này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kêu gọi công nhân lao động Thủ đô “chấp hành nghiêm chỉnh chính sách bảo hộ thành phố. Ủng hộ Ủy ban Quân chính tiếp thu các công sở, xí nghiệp của nhà nước được đầy đủ nhanh chóng, giữ gìn an ninh trật tự trong thành phố. Ra sức khắc phục mọi khó khăn để phục hồi sản xuất, giao thông vận tải. Tích cực góp phần xây dựng thành phố.”

Cùng với hai bài viết trên, Lao Động đặc biệt số ra ngày 10/10/1954 cũng đăng tải dày đặc các bài viết, tin tức, ghi chép phản ánh không khí phấn khởi của mọi tầng lớp nhân dân, ngành nghề trong ngày giải phóng Thủ đô như “Tiếng còi tầu chào mừng thắng lợi trên ga Hà - nội - Gia - lâm”, ghi lại những thông tin lịch sử quý giá về chuyến tầu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội ngày 21/9/1954; Loạt bài viết ghi nhận không khí hồi phục sản xuất, tiếp quản các công trình, nhà máy quan trọng ngay trong ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng như “Phục vụ kiến thiết đường sắt Hà - Nội - Nam - Quan”, “Công nhân tả ngạn tham gia phục hồi sản xuất sau ngày giải phóng”, “Điểm lại cuộc đấu tranh bảo vệ ánh sáng cho Thủ đô Hà - Nội”.

Cũng cách đây hai năm, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô, báo Nhân Dân đã có nhiều bài viết công bố lại một cách chi tiết về số báo đặc biệt ra ngày 11-12/10/1954- một ngày sau khi Thủ đô giải phóng- ngập tràn tin tức về sự kiện trọng đại này. Trong đó, số báo này đã dành vị trí trang trọng nhất cho những dòng tin điện của phóng viên từ hiện trường với tựa đề: "Ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội".

Cờ đỏ sao vàng mọc lên rợp đường

 Báo Nhân Dân số báo đặc biệt ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

Báo Nhân Dân số báo đặc biệt ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

Trong đó, "tin điện của PV Hà Nội" sau khi tường thuật chi tiết diễn biến quan trọng của ngày 9/10/1954 như: "9 giờ 25 sáng quân đội ta đã vào Phủ toàn quyền cũ và đến 10 giờ 30 đã vào Bắc Bộ phủ. Đến 4 giờ chiều, toàn bộ quân đội liên hiệp Pháp đã rời khỏi Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên", đã mô tả trọn vẹn không khí mừng vui của Hà Nội lúc đó.

"Đến 4 giờ chiều, quân đội Pháp đã rời khỏi khoảnh đất cuối cùng của thành phố Hà Nội, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên. Bộ đội ta đã tiếp thu hoàn toàn thành phố Hà Nội, gọn gàng và trật tự.

Bộ đội ta tiến đến đâu, phố xá vụt biến đổi đến đó. Mới vài phút trước, tất cả còn im lìm, tẻ ngắt. Đoàn xe của bộ đội ta vừa tiến đến, nhân dân mở tung cửa, ra hẳn cả hai bên đường, phất cờ, tung mũ vỗ tay reo mừng không ngớt. Cờ đỏ sao vàng mọc lên rợp đường, xen lẫn với cờ nước bạn, màu sắc hòa hợp với nhau thành một bức tranh tuyệt đẹp. Những cổng chào, những khẩu hiệu lớn chăng ngang các đường phố: “Hoan nghênh Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng! Triệt để tin tưởng Chính phủ dân chủ cộng hòa! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng lao động Việt Nam muôn năm!”. Công nhân và thanh niên tự vệ các phố cùng với các đội công an hành chính của Chính phủ vào mấy hôm trước đã sẵn sàng có mặt, phối hợp với bộ đội giữ gìn trật tự chu đáo"- Bài viết có đoạn.

Bài viết cũng thông tin:

"Ở nhà máy điện Bờ Hồ, công nhân đón mừng bộ đội xong lại trở vào tiếp tục sản xuất ngay.

Trong lúc công việc tiếp thu tiến hành trong thành phố Hà Nội, thì ở ngoài đại quân của ta (bộ binh, pháo binh, cao xạ...) tiếp tục tiến vào các khu ngoại thành để chuẩn bị cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô ngày 10/10/1954.

Đêm 9/10, Thủ đô Hà Nội, sáng rực màu sắc tươi vui của những cổng chào, cờ, băng, huy hoàng trong ánh điện. Lệnh giới nghiêm của Ủy ban quân chính Hà Nội được chấp hành khắp nơi, trong khi đó nhà nào cũng chong đèn, rộn rịp chuẩn bị thêm để đón tiếp một cách xứng đáng đại quân và Ủy ban quân chính Hà Nội vào thành phố sáng hôm sau".

Trong "Tin sau cùng", với tiêu đề "Quân đội ta đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954", PV báo Nhân Dân cho biết: "Sáng ngày 10/10/1954, đại quân của ta gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... đã từ ngoại thành mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội. Bộ binh chia làm hai cánh lớn:

Cánh quân thứ nhất xuất phát lúc 8 giờ từ cửa ô Kim Mã, tiến qua phố Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai; 9 giờ đến Hàng Ngang, Hàng Đào; 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.

Cánh quân thứ hai xuất phát lúc 8 giờ 45 từ Việt Nam học xá, tiến theo đường Duy Tân, Đồng Khánh; 9 giờ 40 đến chợ Hôm; 10 giờ 10 đến bờ Hồ Hoàn Kiếm; 10 giờ 40 tập kết ở hai khu Đấu Xảo và Đồn Thủy.

Pháo binh và những đơn vị bộ binh đi xe hơi xuất phát lúc 9 giờ 30 từ Bạch Mai; 10 giờ 15 đến Bờ Hồ; 10 giờ 30 đến chợ Đồng Xuân, sau đó vào tập kết trong thành Hà Nội, chuẩn bị lễ chào cờ vào 3 giờ chiều.

Nhân dân đón mừng bộ đội suốt hai bên đường phố đã dựng thêm nhiều cổng chào lớn, căng thêm nhiều khẩu hiệu mới rực rỡ. Đông nhất là ở Hàng Ngang và Hàng Đào.

 Báo Nhân Dân số báo đặc biệt ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

Báo Nhân Dân số báo đặc biệt ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

“Bao nhiêu năm trời rồi, nay mới có ngày sung sướng”

Cũng trong số báo Nhân Dân này, hòa mình trong không khí hào hùng đó, nhà báo Thép Mới (1925-1991) đã ghi chép lại thời khắc lịch sử này bằng ký sự “Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên”.

“Mới tờ mở đất. ngày 9 tháng 10, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” bỗng vang lên trên các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên. ô Cầu Giấy. Các đơn vị tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên quốc lộ số 1, nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai ngày càng gần lại. Ánh điện báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội vẫn giữ vững đấu tranh đợi bộ đội về”…

"6 giờ, chiếc xe cắm cờ xanh của Ủy ban liên hợp chuyển bánh tiến vào trung tâm thành phố. Đơn vị Liên hiệp Pháp đứng gác đường vừa rút đi. Tiếng reo mừng của nhân dân bật lên: “Hoan hô các anh bộ đội! Các anh đã về! Các anh đã về!” Khi chiếc xe đầu tiên của quân đội ta đỗ ở ngã tư, tiếng hoan hô lại càng nồng nhiệt. Đồng bào ùa ra như muốn ôm chầm lấy những chiến sĩ yêu quý của mình.

Một đồng chí cán bộ bộ đội từ trên xe bước xuống cảm động, sung sướng chào mừng đồng bào rồi giải thích đồng bào cần giữ trật tự để tiếp thu được dễ dàng. Trong trật tự tự giác, đồng bào ngoại ô biểu lộ tình cảm của mình một cách sâu xa. Một bà cụ già như tự hỏi lòng mình: “Bao nhiêu năm trời rồi, nay mới có ngày sung sướng”. Các em bé đứng lên những chỗ cao nhất, vỗ vào nhau đôi bàn tay xinh nhỏ. Một cụ già ôm cháu thơ vào lòng: “Vinh ơi, có sướng không cháu?”. Không biết từ lúc nào, tấm biểu ngữ đỏ thắm chữ vàng đã chăng qua đường: “Hoan nghênh quân đội nhân dân anh dũng vào giải phóng Thủ đô”.

Quân đội ta tiến đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc ra đến đấy. Trên nóc nhà, trên hiên gác, nhà nào nhà ấy treo cao những lá cờ đã lắp cán sẵn. Nhiều cửa đóng kín từ lâu nay bỗng mở tung ra. Sau bao năm xa cách, lần đầu tiên mới lại nhìn thấy người chiến sĩ anh dũng của quân đội nhân dân đã xông pha bao năm chinh chiến, trăm trận trăm thắng, nỗi vui sướng của đồng bào dào dạt thành những tiếng hoan hô không ngớt: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm!". Nao nức của bao nhiêu ngày, của bao nhiêu năm chứa chất, mọi người muốn đổ cả ra đường đi theo, theo mãi những người chiến sĩ giải phóng của mình”...

… “Nhìn ngược về dốc Hàng Gà, phố xá đã trở thành một dòng sông đỏ cờ và biểu ngữ. Bộ đội ta đứng giữa lòng nhân dân Hà Nội. Lòng nhân dân Hà Nội vốn giàu nhiệt tình cách mạng. Các em nhỏ quấn quít lấy các anh: “Bao giờ Bác về hở các anh? Các anh sẽ chép bài hát cho các em nhá”. Những bạn trẻ Hà Nội vồn vã hỏi chuyện các chiến sĩ như những người bạn thân lâu ngày mới gặp: “Cả đêm hôm qua chúng tôi chẳng đứa nào ngủ được, chỉ mong chóng sáng các anh về”. Đông bào ngắm mãi bộ đội: “Bộ đội mình anh dũng thế mà trông thật hiền. Chẳng bủ với chúng nó…” Trước các cửa hàng, các bà bảo nhau: “Thôi từ nay hết phèng phèng. Mỗi lần nghe thấy phèng phèng là mất cả hồn....".

Không khí hoan ca của ngày Thủ đô giải phóng trở nên vô cùng xúc cảm qua ngòi bút của nhà báo Thép Mới: "Cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh Tháp Rùa rồi. Trời thu mà đẹp như ngày Tết. Nước Hồ trong xanh. Ở ngã tư Hàng Hoa, cảnh binh ta huy hiệu vàng nền đỏ, phất tay áo trắng chỉ đường cho các xe chạy. Trưa hôm nay, chuyến xe lửa đầu tiên rúc còi chạy về Văn Điển với chiếc đầu máy mới nhất trong những đầu máy mà anh em đã đấu tranh bảo vệ. Mỗi anh công nhân cầm một lá cờ phất chào nhà ga và đoàn xe, tỏ rõ lòng phấn khởi và quyết tâm của mình.

4 giờ chiều, toàn bộ Liên khu I cũ anh dũng được giải phóng. Hàng Bông, Hàng Đào, 36 phố phường của Hà Nội biến thành một rừng cờ và biểu ngữ. Quân đội Liên hiệp Pháp rút qua cầu. Khi những xe lính mũ trắng đã qua khỏi nhịp cầu thứ tư, bộ đại ta tiến lên đóng đầu cầu. Cảnh binh ta đứng đầu cầu chỉ huy sự đi lại và giữ trật tự.

Nhẹ nhàng và huy hoàng, Hà Nội trở về tay nhân dân. Trong trật tự, cả Hà Nội say sưa tình yêu tha thiết lá cờ Tổ quốc thắm tươi và quân đội giải phóng anh dũng của mình.

Đêm nay, Hà Nội bình tĩnh chấp hành lệnh giới nghiêm và thao thức, rộn ràng, chuẩn bị đón đại bộ phận quân đội vào đóng Thủ đô. Điện vẫn sáng. Trên cổng chào của anh em công nhân nhà điện Bờ Hồ, ngôi sao năm cánh bằng điện soi bóng xuống Hồ Gươm. Hà Nội sáng, và ngày càng sáng mãi từ nay".

 Bài xã luận đăng trên Báo Nhân số ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

Bài xã luận đăng trên Báo Nhân số ra ngày 11-12/10/1954. Ảnh: Báo Nhân Dân

Cũng trong số báo đặc biệt này, Báo Nhân Dân đã đăng xã luận “Chính sách tiếp thu và quản lý Hà Nội” bàn về việc chúng ta sẽ tiếp thu và quản lý Hà Nội như thế nào sau khi Thủ đô đã trở về nhân dân Việt Nam, trở về chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bài viết nêu rất rõ: "Điều cốt yếu là phải làm đúng “8 chính sách của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng”. 8 chính sách ấy ngắn, gọn, nhưng rất căn bản. Cán bộ và nhân dân ai nấy đều cần học tập, nghiên cứu đề hiểu rõ và để thi hành cho đúng.

Mục đích của chính sách tiếp thu và quản lý là:

- Duy trì, khôi phục trật tự và an ninh của thành phố.

- Duy trì, khôi phục đời sống của nhân dân.

- Duy trì, khôi phục mọi mặt hoạt động của thành phố.

Duy trì nghĩa là giữ nguyên những cái gì sẵn có. Khôi phục nghĩa là gây dựng lại như trước những cái gì đã có mà bị đình trệ, đảo lộn hoặc hư hỏng.

Chính sách tiếp thu và quản lý nhằm duy trì, khôi phục trật tự và an ninh của thành phố, làm cho toàn thể nhân dân trong thành phố và toàn thể ngoại kiều (kể cả kiều dân Pháp) trong thành phố, đều được bảo đảm tính mệnh và tài sản, đều được yên ổn làm ăn sinh sống, không bị ngăn trở, uy hiếp.

Để thực hiện mục đích đó, làm yên lòng nhân dân, ổn định tình hình, chính sách tiếp thu và quản lý thành thị đã quy định rõ: phải đề phòng, chống lại và nghiêm trị mọi sự phá rối trật tự, mọi sự phá hoại của công, cướp bóc, trộm cắp, xâm phạm đến tính mệnh, tài sản của nhân dân. Đồng thời, cũng phải đề phòng và chống những hành động vô ý thức, làm hại đến trật tự và an ninh của thành phố.

Chính sách tiếp thu và quản lý nhằm duy trì, khôi phục đời sống bình thường về mọi mặt của nhân dân: ăn, ở vệ sinh, đi lại, làm việc, giải trí... Công việc mà chúng ta phải lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân được tiếp tế về gạo, củi, thức ăn, có nước dùng, có xe cộ để đi lại, tối đến có đèn, đường xá có người quét dọn sạch sẽ, khi cần gửi thư có nhà bưu điện, sau khi làm việc có chỗ giải trí...

Chính sách tiếp thu và quản lý nhằm duy trì, khôi phục mọi ngành hoạt động của thành phố về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt chú trọng về chính trị và kinh tế. Phải làm cho các công sở hoạt động ngay để giải quyết công việc cho nhân dân. Phải làm cho các xí nghiệp công, tư chạy đều, các cửa hàng mở cửa, chợ búa họp đều, mọi hoạt động công thương nghiệp của thành phố tiếp tục như thường. Phải làm cho các trường học công và tư, các nhà thương, nhà hộ sinh, cơ quan văn hóa, giáo dục đều tiếp tục hoạt động"

Cuối bài viết, Báo Nhân Dân khẳng định: "Toàn bộ chính sách tiếp thu và quản lý thành thị của Đảng và Chính phủ chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân Thủ đô, giải quyết những yêu cầu cấp bách của nhân dân Thủ đô. Yêu cầu cấp bách đó là duy trì và khôi phục trật tự, an ninh, duy trì và khôi phục đời sống của nhân dân và các mặt hoạt động của thành phố.

Đề thực hiện đúng đắn và đầy đủ chính sách đó, các cơ quan phụ trách, các cán bộ quân, dân, chính, Đảng phải làm đúng chính sách, giữ vững kỷ luật. Nhưng đồng thời, nhân dân thủ đô cần phải học tập và hiểu rõ chính sách, tuân theo kỷ luật, một lòng ủng hộ và phục tùng Chính phủ, chấp hành đúng mệnh lệnh của Ủy ban quân chính. Mỗi người trong phạm vi hoạt động và với khả năng của mình, hãy tích cực góp phần vào công việc tiếp thu và quản lý Hà Nội cho có kết quả tốt".

Giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm thực sự đã là sự kiện tâm điểm của báo chí. Ngoài Nhân Dân, Lao Động, còn rất nhiều số báo đăng tải về sự kiện này như: Báo Cứu Quốc - cơ quan của Mặt trận Liên Việt Liên khu 5, số 220, ngày 18/10/1954 tại trang 6 và 7 đưa tin về không khí tiếp quản thủ đô của bộ đội ta với nhan đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu thủ đô Hà Nội trong vòng trật tự rất tốt đẹp và giữa một bầu không khí vô cùng phấn khởi của nhân dân”. Hay như báo “Tiền phong” số đặc biệt đón mừng Ngày Giải phóng Thủ đô do Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội ấn hành tháng 10/1954.

Cách đây 10 năm, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, nhà báo Thọ Cao, trong bài viết trên báo Nhân Dân với tựa đề "Nhớ ngày giải phóng Thủ đô" đã từng cho biết thông tin: "Một tờ báo mới mang tên Tin Tức của Ủy ban Quân chính, ra đời. Trung ương cử nhà báo Nguyễn Thành Lê phụ trách tờ báo. Tòa soạn gồm các nhà báo: Trần Việt, Chu Hà, Nguyễn Tiêu, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương... làm các công việc do tổ chức phân công. Từ cán bộ phụ trách đến phóng viên đều lo làm tin về công tác tiếp quản thắng lợi, viết nghị luận về đường lối, chính sách của chính quyền cách mạng, về các vấn đề trong nước và thế giới…

Tổ làm tin do nhà báo Nguyễn Tiêu, sau này là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, làm tổ trưởng, nhà báo Ngô Thi chuyên nghe Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các đài nước ngoài, ghi tốc ký, làm tin...

Mờ sáng 10-10-1954, các em bán báo rao lanh lảnh, mời mọi người mua báo mới: “Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính đây”, “Báo Thời Mới đây”. Tờ báo ra hằng ngày, khổ rộng bằng tờ tuần báo hiện nay, có bốn trang, in ti-pô đen trắng, rất ít ảnh. Tên Báo Tin Tức in chữ to đậm, kích thước mỗi con chữ là 24mm x 25mm, loại chữ có chân, nghiêm túc. Dưới tên Báo Tin Tức có dòng chữ in hoa: Cơ quan của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.

Ngày 10-11-1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội ra mắt. Nhiệm vụ tờ Báo Tin Tức của Ủy ban Quân chính hoàn thành".

Nguyễn Hà (T/H)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-khi-hao-hung-ngay-giai-phong-thu-do-nam-1954-qua-nhung-trang-bao-troi-thu-ma-dep-nhu-ngay-tet-post315102.html