Không lạm dụng thuốc kháng histamin chữa ho - sổ mũi cho trẻ

Khi thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi khiến trẻ hắt hơi, ho, sổ mũi kéo dài.

Điều đó khiến không ít phụ huynh lo lắng và muốn dùng thuốc để chấm dứt tình trạng này ở trẻ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong thực tế đang bị lạm dụng, đó là thuốc kháng histamin H1.

Kháng histamin H1 có tác dụng gì?

Nhóm thuốc kháng histamin H1 có nhiều thế hệ, trong đó một số thuốc thế hệ 1 điển hình thường được sử dụng là: chlopheniramine 4mg, viên nén vàng hình bầu dục hoặc hình tròn; theralen 5mg, viên màu hồng hình tròn; toplexil dạng viên nang màu nửa xanh, nửa trắng; dexchlopheniramin 2mg (tên khác là polamin, polaramin) dạng siro; thuốc dạng viên phối hợp dexchlopheniramin + betamethasone (cedetamine, celestamine).

Thuốc kháng histamin thế hệ 2 gồm có: loratadine, cetirizine, desloratadine, levocetirizine, fexofenadine...

Bản chất các thuốc này dùng để chữa dị ứng, bao gồm các dị ứng da (mề đay cấp - mạn, chàm), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng và các dạng dị ứng khác. Trong đó, hiện nay dùng phổ biến trong chữa ho, sổ mũi trẻ em là các kháng histamin thế hệ 1 đã liệt kê ở trên.

Không lạm dụng thuốc kháng histamin H1 chữa ho - sổ mũi cho trẻ.

Không lạm dụng thuốc kháng histamin H1 chữa ho - sổ mũi cho trẻ.

Lợi bất cập hại

Không ít phụ huynh cho con uống thuốc nhưng không hiểu rõ về tác dụng của thuốc mà chỉ thấy khi cho con uống những thuốc này sẽ có tác dụng làm giảm sổ mũi, giảm ho. Cho nên cứ hễ con bị ho, sổ mũi là họ sẽ dùng thuốc này mà không cần biết sổ mũi này là do viêm mũi theo cơ chế nào.

Ho, sổ mũi ở trẻ cũng như người lớn có rất nhiều nguyên nhân. Nếu trẻ viêm mũi theo cơ chế dị ứng thì các thuốc kháng histamin sẽ có tác dụng giảm ngứa mũi, giảm tiết dịch mũi. Nhưng đa số ho - sổ mũi ở trẻ là bệnh cảm thường, mà trong bệnh này mũi bị viêm không phải theo cơ chế dị ứng (nếu có thì rất ít). Viêm mũi trong bệnh cảm lạnh - chất gây viêm là các interlekin (IL) chứ không phải histamin nên các thuốc kháng dị ứng hầu như không có tác dụng.

Thế nhưng thực tế khi dùng với liều cao thì thấy hiện tượng ho, sổ mũi vẫn giảm là vì sao? Đó là do ngoài tác dụng kháng dị ứng (kháng histamin) các thuốc này còn có tác dụng kháng cholinernic (anticholinergic). Tác dụng này làm giảm tiết các chất nhầy đường hô hấp, khiến cho đứa trẻ bị khô mũi, khô miệng, các chất tiết ra rồi thì cô đặc lại và ứ đọng bên trong đường hô hấp khó tống ra ngoài. Nhìn bề ngoài thì có vẻ bệnh giảm vì bớt triệu chứng, nhưng thực tế đứa trẻ đang gặp những rắc rối do chính tác dụng anticholinergic mà người lớn không thấy được, đó là khô mũi, miệng, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh...

Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 vừa nêu còn có thể đi qua hàng rào máu não, gây nên những tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương, khiến trẻ ngủ gà, li bì. Trẻ nhỏ thì khó ngủ, kích thích, la hét thậm chí co giật, giảm khả năng tập trung chú ý tiếp thu kiến thức, giảm trí nhớ. Các thuốc thế hệ 2 thì ít tác dụng phụ này nhưng khả năng làm khô mũi thì kém hơn hẳn các thuốc thế hệ 1 nên không được ưa chuộng sử dụng.

Vì sao thuốc hay bị lạm dụng?

Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), không dùng bất cứ sản phẩm thuốc không kê toa (OTC) nào cho trẻ em dưới 6 tuổi bị cảm lạnh vì các nguy cơ tác dụng phụ của thuốc và hiệu quả không cao. Ngay cả các loại thảo dược cũng không nên sử dụng một cách bừa bãi.

Thế nhưng, thực tế tại sao vẫn còn nhiều phụ huynh mong muốn được dùng thuốc giảm ho, sổ mũi khi con bị cảm? Đơn giản chỉ vì họ thấy sốt ruột mà thôi chứ thuốc không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho trẻ. Cho dù trẻ có sổ mũi lòng thòng, ho sù sụ, nhưng khi trẻ vẫn vui vẻ và chơi bời thì phụ huynh không nên sốt ruột và cũng không nên lo lắng “ho nó lan xuống gây viêm phổi”...

Ho là phản xạ tống vi trùng, dị vật, đàm nhớt ra khỏi đường hô hấp để ngăn ngừa viêm phổi, ngăn ngừa tắc nghẽn đường thở. Do đó, ho nhiều, ho lâu không phải là nguyên nhân gây ra viêm phổi mà là do biến chứng nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virut. Khi trẻ sơ sinh không ho được hoặc người già liệt nằm một chỗ không ho được sẽ gây tình trạng ứ đọng đàm nhớt, vi trùng bên trong đường hô hấp thì mới gây viêm phổi. Vì vậy, thay vì sốt ruột, cha mẹ nên vui mừng vì con mình ho khỏe. Ho khỏe thì bệnh mau khỏi, không ho hay ho yếu thì dễ bị nặng hơn. Nếu bằng mọi cách để giảm ho, cắt ho chính là đang làm hại trẻ.

Do vậy, chỉ dùng thuốc giảm ho cho trẻ khi tình trạng ho gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và phải được bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc chuyên khoa nhi đủ kinh nghiệm chỉ định.

BS. Trần Công

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-lam-dung-thuoc-khang-histamin-chua-ho-so-mui-cho-tre-n156122.html