'Không loại trừ có F0 trong biển người chen chân xét nghiệm Covid-19'
'Với tình trạng biển người chen chân lấy giấy xét nghiệm Covid-19 tại chợ Bình Điền, người âm tính có thể chuyển thành dương tính', bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Ngày 5/7, khoảng 14.000-15.000 tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền tập trung chen lấn để lấy mẫu giấy đăng ký. Tình trạng này diễn ra sau khi ban quản lý chợ thông báo thực hiện xét nghiệm cho người dân, tiểu thương trong chợ.
Lực lượng quản lý chợ đã phải liên tục thông báo cho người dân phân tán đến các khu vực khác, yêu cầu trật tự, giữ khoảng cách nhưng bất khả thi. Tình trạng này kéo dài đến chiều cùng ngày.
Ngoài ra, nhiều ngày nay, một số bệnh viện cũng có tình trạng người dân xếp hàng test nhanh hoặc nhận giấy chứng nhận âm tính.
"Nhu cầu của người dân cần giấy xác nhận xét nghiệm âm tính để di chuyển đến các địa phương ngoài TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là có. Tuy nhiên, việc tập trung đông đúc là điều còn nguy hiểm hơn", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
"Giấy thông hành" chỉ có giá trị có một thời điểm
"Không loại trừ có F0 trong biển người chen chân xét nghiệm nCoV, như ở chợ Bình Điền, tình hình sẽ càng thêm hỗn loạn. Trong các hình ảnh trên, nhân viên y tế cũng có một phần trách nhiệm, không thể tự tin là mặc đồ bảo hộ mà xem nhẹ việc tụ tập đông người", bác sĩ Khanh nói.
Ông đưa ra giả thuyết một người vốn không nhiễm virus SARS-CoV-2 và có kết quả test nhanh dương tính. Tuy nhiên, khi chen lấn, không giữ khoảng cách trong đám đông và vô tình tiếp xúc F0, người này bị lây nhiễm virus mà không hay biết.
"Lúc này, tờ chứng nhận test nhanh để làm giấy thông hành chỉ có giá trị ở thời điểm trước đó, không đồng nghĩa với việc người này không bị nhiễm bệnh. Thực tế là sau khi tiếp xúc F0, họ bắt đầu ủ bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác", bác sĩ Khanh nêu ví dụ.
Nói về tình trạng người dân xếp hàng test nhanh, chia sẻ với Zing, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ), cho biết để tránh tình trạng tập trung đông, bệnh viện đã quy định thời gian trả kết quả xét nghiệm, giúp người dân tránh đến cùng thời điểm.
"Trung bình có khoảng 300-400 lượt người dân đến test nhanh mỗi ngày. Do số lượng người có nhu cầu test nhanh lớn, bệnh viện đã phân bổ giờ trả kết quả, giảm áp lực quá tải cho nhân viên y tế", bác sĩ Khanh nói.
Những bất cập cần thay đổi
Theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc người dân test nhanh và cần giấy chứng nhận xét nghiệm là cần thiết cho nhu cầu di chuyển, công việc. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là những tỉnh, thành phố và các đơn vị yêu cầu giấy chứng nhận có giá trị trong khung thời gian khác nhau.
Chẳng hạn, Đồng Nai quy định từ 0h ngày 5/7, tất cả người lao động đi - đến tỉnh này từ TP.HCM, Bình Dương bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác yêu cầu giấy xét nghiệm này có giá trị trong vòng 5 ngày, thậm chí 3 ngày.
"Giá trị giấy xét nghiệm trong thời gian ngắn sẽ gây nhiều tốn kém cho người dân. Còn giá trị có thời hạn càng dài, rủi ro càng lớn. Do đó, các địa phương cần thống nhất về số ngày chung trong việc quy định thời hạn giá trị của giấy xét nghiệm Covid-19. Điều này cần Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia can thiệp và thống nhất giữa các tỉnh", bác sĩ Khanh nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng việc test nhanh SARS-CoV-2 có thể được thực hiện bởi nhiều cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện công lập, tư nhân và phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cần công khai danh sách các đơn vị được phép test nhanh và cung cấp giấy chứng nhận này, tránh tình trạng người dân đổ dồn về một địa điểm và làm giả giấy chứng nhận.
"Cơ quan có thể can thiệp vấn đề này phải là Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia. Các thông tin xét nghiệm được kết nối dữ liệu và nghiên cứu để triển khai cấp QR Code, giúp người dân thuận lợi trong quá trình người dân ra - vào TP.HCM hoặc đến các tỉnh, thành phố, địa điểm, khu vực có dịch", ông nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính không thể khẳng định chắc chắn người này không nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, người di chuyển thường xuyên giữa các khu vực có dịch cần tuân thủ biện pháp phòng, chống lây nhiễm, tuân thủ 5K.
"Không nên chỉ dựa vào một tờ giấy xác nhận là có thể di chuyển thoải mái", ông nói.
Ngoài ra, chuyên gia này nhấn mạnh giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 không thay thế 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khai báo y tế - khoảng cách - không tập trung) trong quá trình sinh hoạt, di chuyển.
"5K nghiêm túc tại công ty, trên đường đi và trong gia đình là điều cần thiết nhất và quan trọng hơn tất cả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trước đó", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ 25/6 đến sáng 6/7, qua rà soát số liệu, ngành y tế thành phố đã lấy 1.688.287 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...). Tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng từ đợt dịch đầu tiên là 2.499.032 mẫu.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, việc xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch), cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.
Theo kế hoạch triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn, thành phố đặt mục tiêu thực hiện 150.000-200.000 xét nghiệm/ngày (trung bình 6.000-8.000 mẫu/ngày/quận, huyện, riêng TP Thủ Đức trung bình từ 18.000-24.000 mẫu/ngày.