Không nhìn thấy đồng nghiệp, người Mỹ mau chán, bỏ việc liên tục
Làm việc trực tuyến trong đại dịch khiến người lao động mất sự gắn kết với công ty và dễ nhảy việc khi không còn động lực, theo New York Times.
Tháng 4/2020, Kathryn Gregorio (53 tuổi) tham gia một tổ chức phi lợi nhuận tại bang Virginia (Mỹ). Không lâu sau, bà phải làm tại nhà vì đại dịch.
Sau một năm và rất nhiều cuộc gọi qua Zoom, bà chưa từng gặp mặt đồng nghiệp, ngoại trừ sếp. Nếu có cơ hội mới, bà sẽ bỏ việc.
Chloe Newsom, chuyên viên marketing tại bang California (Mỹ) đã chuyển việc 3 lần trong đợt dịch vừa rồi. Cô khó gắn kết với nơi làm vì không được gặp mặt ai.
Tháng 8/2020, Eric Sun bắt đầu làm việc tại công ty tư vấn khi sống tại bang Ohio (Mỹ). Một năm sau, anh chuyển công tác và chưa bao giờ được gặp đồng nghiệp. "Tôi chưa từng bắt tay họ", anh nói.
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 17 tháng và tạo ra xu hướng mới trong lực lượng lao động: nhiều người không được gặp mặt đồng nghiệp từ khi bắt đầu làm đến lúc rời đi, theo New York Times.
Xa cách với nơi làm
Tình trạng nhảy việc vì chưa bao giờ gặp đồng nghiệp đã cho thấy sự gắn kết về cảm xúc với nơi làm đang suy yếu. Người lao động dễ đến, dễ đi. Các nhà tuyển dụng lao đao tìm cách giữ chân nhân viên dù chẳng biết gì về họ.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, số lao động nghỉ việc trong những tháng dịch nhiều hơn bất cứ thời gian nào khác kể từ khi dữ liệu được ghi lại vào tháng 12/2000.
Trong tháng 4, số người nghỉ việc đạt kỷ lục khi 3,9 triệu người, tức 2.8% lực lượng lao động, thông báo với quản lý rằng họ sẽ nghỉ làm. Vào tháng 6, 3,8 triệu người xin nghỉ.
"Nếu làm việc trong môi trường không đề cao sự gắn bó, bạn sẽ dễ có tâm lý chuyển việc hơn", Bob Sutton, chuyên gia tâm lý kiêm giảng viên Đại học Stanford, cho biết.
Dù làm việc từ xa không phải chuyện mới, điều khác biệt hiện tại là quy mô của xu hướng này.
Sự chuyển dịch trong thị trường lao động thường diễn ra chậm rãi, nhưng những công việc văn phòng đã phải thay đổi chóng mặt để thích ứng với đại dịch, theo Heidi Shierholz, chuyên gia cấp cao tại Học viện Chính sách Kinh tế (Mỹ).
"Xu hướng này cho thấy đại dịch đã kéo dài lâu thế nào. Hàng loạt nhân viên văn phòng đột ngột thay đổi cách làm việc", bà nói.
Nhiều người lao động cho biết họ cảm thấy xa cách và tự vấn về ý nghĩa công việc.
Gregorio, làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận ở Virginia, kể rằng việc trao đổi qua email với những đồng nghiệp xa lạ có thể gây hiểu lầm, hợp tác không ăn ý. Bà cũng thường xuyên phân vân liệu một vấn đề có đủ lớn để gọi mọi người vào họp Zoom hay không.
Khi rời đi, Gregorio nói rằng mình sẽ không nhớ ai vì chẳng biết gì về họ.
"Tôi chỉ biết tên họ. Vậy là hết", bà nói.
"Chỉ như một cái tên trong danh sách"
Một số khác cũng chia sẻ cảm giác bị cô lập khi làm việc từ xa. Tuy nhiên, họ cho rằng điều này giúp họ thay đổi mối quan hệ với công việc và chú ý đến những khía cạnh khác trong cuộc sống.
Joanna Wu bắt đầu làm việc tại công ty kiểm toán PwC vào tháng 9/2020. Sự tương tác duy nhất của cô với đồng nghiệp là qua các cuộc gọi video.
"Bạn biết rằng chẳng ai có động lực làm việc khi camera của họ đều tắt. Mọi người còn không muốn nhìn mặt nhau", Wu (23 tuổi) nói.
Thay vào đó, cô tìm niềm vui từ những sở thích mới như nấu món Trung Quốc truyền thống và rủ bạn qua nhà ăn tối. Tháng 8 năm nay, cô nghỉ việc. "Tôi thấy rất tự do", cô nói.
Martin Anquetil (22 tuổi) bắt đầu làm việc tại Google vào tháng 8/2020 và chưa bao giờ trực tiếp gặp đồng nghiệp. Anh cũng phải bỏ lỡ trải nghiệm văn phòng nổi tiếng của công ty công nghệ này.
Anquetil kể rằng làm việc ở nhà khiến anh sao nhãng. Thời gian chơi game lúc nghỉ trưa bắt đầu lấn sang giờ làm. Anh bắt đầu khám phá sở thích của mình thay vì làm việc. Một thời gian sau, anh nghỉ làm tại Google và tham gia một công ty khởi nghiệp.
"Nếu một người muốn làm 20 giờ/tuần ở Google và giả vờ như mình làm 40 giờ, đó là lựa chọn của họ. Tuy nhiên, tôi muốn cảm thấy gắn kết với công việc hơn", anh cho biết.
Để giúp ngăn chặn tình trạng nhảy việc vì thiếu gắn kết, nhiều công ty đang định hình lại văn hóa công sở. Theo Jen Rhymer, học giả tại Đại học Standord, các công ty có thể giúp nhân viên hòa nhập thay vì bắt họ chủ động.
Điều này bao gồm việc lên lịch cho các hoạt động nhóm nhỏ, tổ chức khóa đào tạo và dành thời gian trò chuyện hàng ngày.
Nhiều công ty cũng đang góp phần vào xu hướng nhảy việc khi dễ dàng sa thải nhân viên hơn.
Sean Pressler (35 tuổi) bắt đầu làm việc cho một trang web thương mại điện tử ở San Francisco (Mỹ) vào năm 2020. Đến tháng 11 cùng năm, anh bị cho nghỉ việc mà không được cảnh báo trước.
Pressler cho rằng việc không gặp gỡ trực tiếp cấp trên và đồng nghiệp khiến anh không được coi trọng. Nếu thân thiết hơn, anh có thể được góp ý về sản phẩm, thảo luận ý tưởng với đồng nghiệp, hoặc lường trước việc cắt giảm nhân sự của công ty để đề phòng nếu bị cho nghỉ đột ngột.
"Tôi cảm thấy như một cái tên có thể bị nhấn xóa bất cứ lúc nào. Tôi chẳng rõ liệu đồng nghiệp có biết mình là ai không", anh nói.