Không phải doanh nghiệp nào nằm ngoài khu công nghiệp cũng bắt buộc phải di dời
Bình Dương xây dựng các tiêu chí và chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp. Trong đó, các ngành đưa ra tiêu chí cụ thể, không phải DN nào nằm ngoài khu công nghiệp cũng bắt buộc phải di dời. Việc xây dựng tiêu chí phải đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động, DN và Nhà nước.
Khảo sát, đánh giá hiện trạng
Để hỗ trợ, khuyến khích các địa phương nghiên cứu ban hành những tiêu chí cụ thể, xây dựng chính sách hỗ trợ DN, người lao động trong quá trình di dời, chuyển đổi công năng đúng quy định của thể chế pháp luật, mới đây, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp xem xét, góp ý dự thảo Kế hoạch "Triển khai thực hiện việc khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Dự thảo xây dựng tiêu chí các ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở, DN thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch" nhưng không vi phạm các tiêu chí môi trường, phòng cháy chữa cháy, Luật Xây dựng, Luật Đô thị thì không buộc phải di dời . Sản xuất tại Công ty Gốm sứ PDL(TP.Tân Uyên)
Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa khẳng định việc thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương. Đây là một chính sách hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bình Dương sẽ là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh, hiện đại.
Ông Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải kiên trì thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích của người lao động, DN và Nhà nước. Phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, chủ DN và người lao động để đánh giá tính khả thi khi chuyển đổi công năng, di dời DN. Có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, tổ chức thí điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng”.
Sở Công Thương tổ chức họp lắng nghe ý kiến các DN để xây dựng các tiêu chí di dời.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, chính sách hỗ trợ của tỉnh phải được xây dựng theo đúng quy định của thể chế pháp luật. Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho DN sẽ tập trung vào 2 nhóm: nhóm DN bắt buộc phải di dời và nhóm DN vẫn đủ điều kiện hoạt động nhưng khuyến khích di dời. Chính sách hỗ trợ đối với người lao động gồm: chính sách lương ngừng việc; trợ cấp mất việc làm; đào tạo nghề…
Theo khảo sát, số lượng DN sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn, chiếm khoảng 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp. Do lịch sử phát triển, những DN này nằm rải rác xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều DN thiếu các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng..., gây khó khăn trong việc phát triển đô thị của Bình Dương.
Trước đó, Tỉnh ủy, các ngành chức năng đã khảo sát và thống nhất chọn Khu công nghiệp Bình Đường để thí điểm chuyển đổi công năng và di dời nhà máy, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng ra toàn tỉnh. Khu công nghiệp Bình Đường được thành lập từ năm 1993, có quy mô 16,5ha do Tổng Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp Bình Đường đóng trên địa bàn phường An Bình, TP.Dĩ An, đây là khu vực giáp TP.Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển đô thị nhanh.
Xây dựng tiêu chí thực tế
Tại cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương đề xuất về tiêu chí đánh giá xác định các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, DN thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời: vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục; địa điểm hoạt động không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo “Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp xem xét, góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện việc khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp
Đối với các DN thuộc ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở, DN thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch" nhưng không vi phạm các tiêu chí còn lại thì không thuộc đối tượng buộc phải di dời.
Góp ý cho dự thảo các tiêu chí, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ: nếu DN vi phạm 1 trong 3 tiêu chí về quy định Luật Xây dựng, Luật Đô thị, quy định về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục thì thuộc diện không đủ điều kiện hoạt động, bắt buộc phải di dời theo lộ trình. Đối với các DN đảm bảo không vi phạm 3 tiêu chí trên, chưa hết thời hạn sử dụng đất hoặc giấy phép đầu tư… thì thuộc diện không bắt buộc di dời.
Tỉnh có chính sách khuyến khích DN tự nguyện di dời nếu địa điểm hoạt động chưa đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo “Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Theo ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, DN mong muốn tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN trên địa bàn phát triển ngày một vững mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu Bình Dương. Đồng thời, tỉnh sớm thực hiện xây dựng các cụm công nghiệp chuyên ngành, cụm công nghiệp mới, hạ tầng phát triển để DN di dời thuận lợi và nhanh chóng.
Khảo sát ý kiến của nhiều DN nhỏ và vừa cho thấy họ mong muốn được bố trí vào các cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp với ngành nghề. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hợp lý trong hỗ trợ địa điểm đến, đào tạo nghề, giúp DN tuyển dụng lao động sản xuất, kết nối tốt hơn với các đối tác, tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn để gia tăng cơ hội cung ứng hàng hóa, sản phẩm.
“Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải kiên trì thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích của người lao động, DN và Nhà nước. Phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, chủ DN và người lao động để đánh giá tính khả thi khi chuyển đổi công năng, di dời DN. Có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, tổ chức thí điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng”.