Không thể để 'mất bò mới lo làm chuồng'
Một vấn đề 'không bình thường' là mỗi khi có sự việc nghiêm trọng nào đó xảy ra, có chỉ đạo của cấp trên thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý. Không phải đến vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở phường Khương Đình, quận Thanh xuân, Hà Nội ngày 12/9 vừa qua, mà có nhiều vụ việc tương tự khác cũng như vậy. Chỉ đến khi xảy ra người ta mới chạy theo khắc phục thì đã quá muộn.
1. Đến thời điểm này chưa thể nói đúng, sai đầy đủ của chủ công trình chung cư mini, các cơ quan chức năng và cả người chủ quan của người dân sinh sống ở đây. Thế nhưng hậu quả quá lớn khi có đến 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương là hết sức đau lòng. Vụ cháy chung cư này đã trở thành một thảm họa lớn giữa lòng Thủ đô. Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này tương đương với vụ hỏa hoạn Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tại thành phố Hồ Chí Minh cách 21 năm trước, làm cho 60 người tử vong, 70 người thương tích. Trong nhiều năm trở lại đây, chúng ta từng được chứng kiến hàng loạt vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Gần đây là các vụ cháy quán karaoke xảy ra ở Hà Nội, Bình Dương đã gây thương vong hàng chục con người. Đến lúc đó, các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, tìm nguyên nhân và khắc phục thiệt hại.
Lần này cũng vậy, Chính phủ đã chỉ đạo đồng loạt kiểm tra các đô thị trên toàn quốc với loại chung cư mini và các loại hình chung cư thuộc nhà ở xã hội. Lại thêm một lần tốn kém thời gian, kinh phí phục vụ cho tổng kiểm tra. Giá như chủ động dự báo, quy định chặt chẽ, kiểm tra và chấn chỉnh thường xuyên thì không đến nỗi xảy ra vụ việc thương tâm vừa qua.
Tình trạng nhiều chung cư lâu năm ở các đô thị xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ hoặc không đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, thế nhưng nhiều địa phương thiếu chỉ đạo quyết liệt trong di dời, bố trí nơi ở. Ở tỉnh ta, chung cư Đống Đa xuống cấp nhiều năm và đã được các cơ quan chức năng khảo sát, xác định mức độ không an toàn, sự nhếch nhác giữa trung tâm đô thị. Tỉnh đã quan tâm kêu gọi đầu tư, nhưng từ chủ trương đến xúc tiến dự án đã trên 10 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Người dân đang còn trú ngụ được, chưa có gì phải vội vàng, nhưng nếu có sự cố không may xảy ra, lúc đó mới “vắt chân lên cổ mà chạy”...
2. Trở lại vụ cháy ngày 12/9 vừa qua tại phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngay sau vụ cháy, Bộ Xây dựng đã cho kiểm tra bước đầu và chỉ ra hàng loạt sai phạm về phòng cháy, cấp phép xây dựng, quy hoạch chung cư mini và trách nhiệm quản lý, kiểm tra của chính quyền cơ sở. Trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và ngành xây dựng. Những vi phạm liên quan đến quy hoạch, thiết kế, xây dựng, phương tiện, các phương án phòng cháy của các cấp có thẩm quyền chưa làm chặt chẽ, đúng quy định.… đã trở thành hiểm họa được lường trước. Một thành phố tập trung đông người như Hà Nội, chỉ riêng một số quận nội thành đã có gần 2.000 chung cư mini. Đó là một con số quá lớn nếu không kiểm tra sẽ dẫn đến nguy cơ khó tránh khỏi cho an ninh, an toàn với tính mạng, sức khỏe của người dân.
Số lượng chung cư mini lớn, tập trung ở đô thị đông dân cư nhưng chưa có điều chỉnh trong luật xây dựng là thiếu sót lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Những bất cập, tồn tại như vậy liệu rằng các cơ quan quản lý có lường trước và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý? Ngay cả tên gọi là “chung cư mini” hay “nhà riêng có nhiều căn hộ” cũng chưa có tên gọi trong luật thì không thể nói đến công tác quản lý. Đó là ở tầm vĩ mô, còn thực tế tại cấp cơ sở còn quá nhiều bất cập, tiêu cực và cả năng lực của cán bộ, chính quyền cơ sở là câu hỏi lớn cần được đặt ra.
Không những sự việc xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội mà sẽ còn nhiều trường hợp tương tự có thể xảy ra nếu không xác định trách nhiệm rõ ràng, dự báo sớm, quản lý chặt chẽ. Sự việc đau lòng đó không cho phép tiếp diễn thêm nữa. Câu trả lời dành cho những người có trách nhiệm, không thể chờ đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”!