Ngày 6/4, thông tin tới phóng viên, ông Cấn Việt Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao (TTVHTTTT) huyện Thạch Thất cho biết, nếu như hằng năm, cứ vào ngày mồng 6/3 âm lịch, huyện sẽ tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương thì năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, địa phương chỉ tổ chức phần lễ tế theo nghi thức truyền thống tại chùa.
Ông Hùng cho biết, phần lễ tế dâng hương theo nghi thức truyền thống được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 4 – 6/4 (tức ngày 4 – 6/3 năm Nhâm Dần), tại Khu di tích lịch sử Tây Phương.
Song, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Hùng cho biết, địa phương đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện trong công tác phòng chống dịch, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phun thuốc khử khuẩn, phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự… nhằm phục vụ du khách đến tham quan chùa Tây Phương.
Ban quản lý khu di tích cũng bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ thường trực tại các điểm tham quan, các chốt bảo vệ trong khu di tích để hướng dẫn du khách hành lễ, dâng hương và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với thái độ chuyên nghiệp, văn minh.
Nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế được bố trí ở nhiều vị trí để du khách dễ dàng sử dụng.
Theo ông Hùng, hôm nay (6/3) là ngày đầu tiên đón du khách, Ban Quản lý khu di tích đã huy động 100% cán bộ, nhân viên có mặt từ 5 giờ để chuẩn bị tốt các điều kiện, đảm bảo an toàn cho du khách và nhân dân đến tham quan, vãn cảnh Chùa.
"Ngoài công tác tuyên truyền phòng chống dịch bằng pano, áp-phích tại các vị trí thuận tiện, dễ thấy, chúng tôi thường xuyên cho phát thông báo nhắc nhở du khách, nhân dân thực hiện việc giãn cách, sát khuẩn tay, không tụ tập đông người, quét mã QR code và đeo khẩu trang khi lên chùa", ông Hùng cho hay.
Bên cạnh việc bố trí nhân sự kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, huyện Thạch Thất cũng bố trí xe y tế chuyên dụng ở phía dưới cổng chính và bố trí 2 trạm y tế lưu động cùng phòng cách ly riêng biệt tại chùa để sẵn sàng xử lý tình hướng xấu đối với du khách.
Ở mỗi phòng y tế cũng được bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế cơ bản, cần thiết như máy đo huyết áp, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2)...
Mặc dù không tổ chức lễ hội, khách hành hương vẫn tấp nập hướng về chùa Tây Phương lễ bái.
Du khách hành hương tại Khu di tích lịch sử chùa Tây Phương thường xuyên được thông báo, nhắc nhở về việc thực hiện việc giãn cách, sát khuẩn tay...
Đặc biệt là nhắc nhở về việc đảm bảo giãn cách khi di chuyển lên chùa.
Chùa Tây Phương (có tên Sùng Phúc Tự) nằm trên núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, được xây dựng từ thời nhà Đường.
Chùa có các hạng mục cổ kính, mang tính lịch sử, tâm linh như: Tam quan thượng, Tam quan hạ, miếu sơn thần, tiền đường, nhà tổ, nhà mẫu và nhà khách.
Đây là ngôi chùa có kiến trúc điển hình cho các ngôi chùa Bắc Bộ với kết cấu kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài, các mái đao cong vút, trên có gắn tứ linh.
Ngoài ra, nơi đây còn tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo gồm: chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.
Hệ thống tượng Phật của chùa Tây Phương là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Mỗi pho tượng là một tác phẩm riêng biệt và độc đáo. Chùa Tây Phương được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và bộ tượng Phật giáo thời Tây Sơn tại chùa được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Người dân đến với chùa Tây Phương - địa điểm tâm linh nổi tiếng với những kiến trúc cổ, độc đáo, thu hút lượng lớn du khách thập phương ghé tới hành hương. Dự tính, hôm nay 6/4/2022 sẽ có khoảng hơn 40.000 lượt khách đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Hồ Thành – Bảo Minh