Khu bảo tồn di tích Sa Huỳnh bị... 'lãng quên'

Quảng Ngãi đã xây dựng, hình thành các thiết chế văn hóa tại Khu khảo cổ học Sa Huỳnh, nơi phát hiện các di tích khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh để bảo tồn, phát huy giá trị. Thế nhưng, gần 10 năm qua, dường như các công trình bị hoang phế, “lãng quên”.

Tuyến đường du lịch nối quốc lộ 1A vào khu di tích Sa Huỳnh đang được khẩn trương thi công

Tuyến đường du lịch nối quốc lộ 1A vào khu di tích Sa Huỳnh đang được khẩn trương thi công

Để phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư các thiết chế văn hóa ngay tại vùng lõi của di sản. Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh được xây dựng trên diện tích 20 ha ở gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ gồm Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh; phục dựng ba điểm khai quật khu mộ táng Sa Huỳnh và hai vi bản trên quần thể di sản.

Xây dựng từ năm 2012, Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh có tổng vốn đầu tư gần 32 tỉ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. Trong khuôn viên 400m2, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh trưng bày gần 500 tài liệu, hiện vật, ảnh theo các chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, Việt Nam; giao thoa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khu vực 3.000 năm trước. Nhà trưng bày xây dựng trên chính vùng lõi nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa lưu giữ bộ sưu tập gồm 122 hiện vật về Sa Huỳnh. Trong đó, nhiều hiện vật giá trị gồm 5 mộ chum lớn, biểu tượng đặc trưng của đời sống cư dân Sa Huỳnh; các hiện vật gốm như nồi, bát đồng, bình hoa; trang sức bằng đá, vỏ ốc, hạt chuỗi, niềm kiêu hãnh của Sa Huỳnh xưa được bày biện đơn giản.

Cùng với các hiện vật, nhà trưng bày còn có 250 bức ảnh đa dạng kích cỡ, màu sắc trưng bày các chủ đề văn hóa Sa Huỳnh. Những bức ảnh khổ lớn toàn cảnh vùng biển Sa Huỳnh từ trên cao, ảnh di tích khảo cổ gò Ma Vương, địa điểm khảo cổ, di tích phát hiện di chỉ, hiện vật cư dân Sa Huỳnh. “Khu này vắng quá. Mình đi cắm trại ở đầm An Khê và ghé vào nhà trưng bày mấy lần để tham quan xem thế nào nhưng không mở cửa”, anh Trịnh Văn Đức, TP Quảng Ngãi chia sẻ. Cách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh khoảng 500m, khu di tích khảo cổ Long Thạnh trơ trọi trên đỉnh gò Ma Vương cát trắng. Hai hố khai quật 223m2 và nhà bao che rộng 320m2 xây dựng ngay vị trí phát hiện Kho Chum Sa Huỳnh từ những năm 1909. Hố khai quật phía Nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh; hố khai quật phía Bắc phục dựng tầng văn hóa Sa Huỳnh 3.000 năm trước. Bên trong di tích hố khai quật được phục dựng bằng những mảnh gốm vụn vỡ xỉn màu, nằm rải rác.

Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh cùng tài liệu, hiện vật, ảnh theo các chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, Việt Nam. Đây sẽ là điểm nhấn kết nối với “Con đường di sản miền Trung” tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Thế nhưng, gần 10 năm qua, khu di tích vắng vẻ, xuống cấp chưa phát huy được như kỳ vọng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, do hạ tầng chưa đồng bộ, khu di tích chưa được kết nối với các tuyến giao thông quốc lộ 1A, kết nối các tuyến du lịch nên bất tiện cho du khách tìm về tham quan, tìm hiểu. “Rất ít khách du lịch đến đây. Khách chủ yếu là khách nội địa, trong tỉnh, các nhà nghiên cứu, quan tâm đến văn hóa”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Hiện tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đường du lịch vào khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Tuyến đường du lịch vào khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh dài 1,8 km, tại xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh với số vốn đầu tư hơn 49 tỉ đồng hiện đang được khẩn trương hoàn thành. Trục giao thông này kết nối quốc lộ 1A vào khu di tích Sa Huỳnh tránh hoang hóa khu di tích như hiện nay.

Hoài Hương (theo vanhoa.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77614/khu-bao-ton-di-tich-sa-huynh-bi-%E2%80%9Clang-quen%E2%80%9D.html