Khúc xạ hào quang rực rỡ

Nhắc tới trường Mỹ thuật Đông Dương người ta thường nói có một phong cách, mỹ cảm, một hương vị riêng của mỹ thuật thời kỳ này; dấu ấn ấy còn ảnh hưởng lâu bền, day dứt đến thẩm mỹ nhiều thế hệ họa sĩ trên cả nước ở những giai đoạn sau này.

Sứ mạng lịch sử

Năm 1920, họa sĩ Pháp Victor Tardieu đến Việt Nam như một sự tình cờ và định mệnh. Sau đó không lâu, ông may mắn nhận nhiệm vụ trang trí giảng đường lớn của Đại học Đông Dương (khi đó đang được xây dựng), thực hiện vẽ bức bích họa có diện tích khá lớn (77m2). Nhờ công việc vẽ tranh kéo dài nhiều tháng, Tardieu nhận thấy những người Việt tham gia hỗ trợ công tác trang trí có năng lực đặc biệt về thủ công. Tuy nhiên, ngoài một vài trường đào tạo mỹ thuật trang trí “sơ đẳng” ở Nam Kỳ (trường dạy vẽ ở Gia Định, trường dạy trang trí mỹ nghệ ở Biên Hòa) thì về giảng dạy mỹ thuật không hề có chương trình đào tạo chất lượng nào trong khu vực. Bên cạnh các dòng mỹ thuật dân gian, nền mỹ thuật cận - hiện đại Bắc Kỳ hay Trung Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung, tại thời điểm này, gần như không có.

Với tâm huyết và mong muốn phát triển nền mỹ thuật ở Đông Dương, năm 1921, Victor Tardieu đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương bản báo cáo, trong đó khẳng định sự cần thiết mở một trường dạy mỹ thuật ở Hà Nội. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, sự thuyết phục về “tài năng nghệ thuật đặc thù của người An Nam”, về sự cần thiết “được dẫn lối để có thể bộc lộ và tỏa sáng” bởi “những khóa đào tạo chất lượng” dành cho “những tài năng bị chôn vùi của giới trẻ địa phương” đã giúp bản báo cáo này nhận được sự quan tâm đặc biệt.

 Một số bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương

Một số bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương

Những ý tưởng này đã khơi mào một dự án đổi mới nghệ thuật tại Đông Dương của Victor Tardieu, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam thông qua sự kết hợp nghệ thuật truyền thống Việt Nam với kỹ thuật và phong cách hiện đại của phương Tây để tạo ra một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam mới được đào tạo cả về kỹ thuật truyền thống và hiện đại.

Từ đây, hành trình của mỹ thuật Việt Nam hiện đại mở đầu với sự thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (ngày 27.10.1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký quyết định thành lập) có công lao rất lớn của họa sĩ Victor Tardieur, tiếp đến là Inguimbarty, Alix Ayme, Nam Sơn cùng nhiều họa sĩ, học giả người Pháp tham gia giảng dạy trong 20 năm tồn tại của trường.

TS. Phạm Trung nhận định: “Lịch sử nghệ thuật là những khúc quanh và những phát lộ bất ngờ. Họa sĩ Victor Tardieur trước khi là một người thầy tận tâm, được sinh viên kính trọng, yêu quý, thì bản chất ông là một nghệ sĩ tài năng đích thực. Chính tình yêu cảnh vật, con người Việt Nam và tâm hồn nghệ sĩ là động lực cá nhân để ông chèo chống, duy trì sự tồn tại, phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương theo hướng đào tạo nghệ sĩ sáng tạo, bất chấp những sức ép nhiều lần muốn thay đổi phương thức đào tạo từ chính quyền thuộc địa”.

Kết hợp ảnh hưởng hai nền văn hóa

Trường Mỹ thuật Đông Dương từ khi mới ra đời đã đóng vai trò tổ chức và bảo trợ cho việc hình thành nền hội họa Việt Nam suốt 20 năm (1925 - 1945). Nhiều ngành học hội họa, điêu khắc, sơn mài, kiến trúc, chế tác đồ dùng, kim hoàn và chạm trổ, gốm, nghệ thuật ứng dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn xã hội. Theo PGS.TS. Đoàn Thị Mỹ Hương, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trường Mỹ thuật Đông Dương được đánh giá như một “ân nhân” đã tạo ra bước ngoặt của lịch sử Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của văn hóa Việt Nam thế kỷ XX.

“Đó là kết quả của một hành trình đi từ những ý tưởng phục hồi nền thủ công mỹ nghệ đang chậm phát triển đến một dự án đổi mới nghệ thuật, củng cố những kỹ thuật bản địa và cung cấp những kiến thức nghệ thuật từ phương Tây nhằm “Tây hóa” nghệ thuật Việt Nam. Ngôi trường này đã tạo nên một thiết chế và chương trình dạy học độc đáo bởi có sự kết hợp ảnh hưởng của hai nền văn hóa Pháp - Việt”, PGS.TS. Đoàn Thị Mỹ Hương nhận định.

Nghiên cứu chỉ ra đầu thế kỷ XX, những người làm mỹ thuật ở Việt Nam vẫn chỉ là những nghệ nhân khuyết danh ở làng nghề thủ công, phường thợ dân gian. Các họa sĩ Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945 là thế hệ họa sĩ Việt Nam đầu tiên có một nền tảng học vấn cao, bộc lộ tình cảm của mình trên tác phẩm với bút pháp hiện đại trên cơ sở hiểu biết về tri thức khoa học. Họ gặt hái thành công và thương mại hóa tác phẩm của mình qua các đấu xảo, triển lãm trong nước và quốc tế. Nghề họa sĩ đã khẳng định một hình thái nghệ sĩ mới của nền mỹ thuật mới, thực thụ.

Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương phân tích, khi nói đến Trường Mỹ thuật Đông Dương, người ta thường nói có một phong cách mỹ thuật Đông Dương, một mỹ cảm riêng, một hương vị riêng, nằm trong dòng chảy đầy cảm thức văn hóa phương Đông và dân tộc. Như bút pháp hiện thực cổ điển được thấy ở một vài bức chân dung bằng sơn dầu ít ỏi còn lại của họa sĩ Nam Sơn. Hiện thực pha ấn tượng rõ nét trong sáng tác của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… Phong cách ấy tiếp tục mở rộng ra một tinh thần phương Đông rõ rệt trong tranh lụa của Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ… Sơn mài cũng bắt đầu có tiếng nói nhất định với trải nghiệm tranh của Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ… mỗi người mỗi vẻ song không ít người còn vương víu cảm thức của trang trí mỹ nghệ mang tính dân gian cổ truyền trước đó.

Theo thời gian, những giá trị nghệ thuật của trường Mỹ thuật Đông Dương đã, đang và tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều sáng tác mỹ thuật. Nói như PGS.TS. Đoàn Thị Mỹ Hương: “Ngày nay, Việt Nam có nền nghệ thuật đương đại phát triển mạnh mẽ, với nhiều nghệ sĩ lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam và phong cách quốc tế. Có thể nói, từ lịch sử của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã cho một cái nhìn, một dẫn chứng về di sản nghệ thuật, về đổi mới nghệ thuật, về trao đổi, tiếp biến văn hóa và những tác động đến nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khuc-xa-hao-quang-ruc-ro-post394408.html