Kiên Giang duy trì là tỉnh dẫn đầu khu vực, khá của cả nước vào năm 2030

Đây là mục tiêu quan trọng được Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, từ ngày 15-17/10 đặt ra. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự và chỉ đạo Đại hội.

Sáng 16/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc trọng thể với sự tham dự của 342 đại biểu, đại diện cho gần 60 nghìn đảng viên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI. Ảnh VGP/Lê Sơn

Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI. Ảnh VGP/Lê Sơn

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với đề ra

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Kiên Giang là địa phương có dân số đông, diện tích tự nhiên lớn và trù phú, có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều tiềm năng về kinh tế, được mọi người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long, là quê hương của nhiều Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Kiên Giang có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển tất cả các ngành kinh tế, thuận lợi trong việc mở rộng liên kết, giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với cả nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH) của tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và bảo đảm quốc phòng, an ninh Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết: Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước ta có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt, nhất là ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19 trong hơn 1 năm trở lại đây.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội. Ảnh VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội. Ảnh VGP/Lê Sơn

Trong bối cảnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang đã phát huy thành quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các mặt. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm 3 đột phá chiến lược, các tiềm năng lợi thế như nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển được khai thác, phát huy tốt hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã chú trọng làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,52 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.458 USD/năm (gấp 1,66 lần so với đầu nhiệm kỳ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế biển phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng ngày càng cao (chiếm gần 80% GRDP của tỉnh), vượt kế hoạch đề ra (74%). Thu ngân sách gấp 2,13 lần so với 2015 và đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng khá; đã chủ động cơ cấu lại các vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ; đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản xa bờ, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực và thủy sản.

Tỉnh đã huy động được hơn 225 nghìn tỷ đồng, gấp 1,44 lần so với đầu nhiệm kỳ để đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH của địa phương; quan tâm lãnh đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn để thu hút đầu tư vào tỉnh, tạo thêm năng lực mới cho nền kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân…

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế từng bước được nâng lên, thành tỉnh khá trong khu vực, trên mức bình quân chung của cả nước; việc chăm lo cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, biên giới, hải đảo ngày càng tốt hơn; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm nhanh từ 9,78% (đầu nhiệm kỳ) xuống còn 2,69%; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được kết quả bước đầu…

Những kết quả trên là hết sức ấn tượng, cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang, đã tạo được những tiền đề rất căn cơ và quan trọng để Kiên Giang phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, đồng thời đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, trên từng lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc kiểm điểm để khắc phục trong thời gian tới.

5 nhiệm vụ quan trọng và giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp lớn để Đại hội nghiên cứu tập trung thảo luận.

Một là, Đảng bộ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên, tiềm năng về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tập trung xây dựng và quản lý tốt quy hoạch tổng thể không gian phát triển của tỉnh, phù hợp với quy hoạch của vùng, của quốc gia (trên cơ sở định hướng phát triển của Trung ương, Nghị quyết 120 của Chính phủ) với định hướng phát triển cụ thể cho từng vùng, từng khu vực, từng ngành sản xuất, kế hoạch phân kỳ thực hiện hàng năm, phù hợp với tiềm lực của tỉnh, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ảnh VGP/Lê Sơn

Ảnh VGP/Lê Sơn

Về nông nghiệp, Kiên Giang cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, tập trung cho nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, gắn với nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường và nâng cao lợi nhuận của người dân. Đồng thời cần quan tâm củng cố, xây dựng phát huy vai trò tích cực của kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn kết sản xuất với khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững.

Tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biểngắn với phát triển du lịch (khai thác tốt lợi thế bờ biển dài trên 200 km, diện tích biển khoảng 63.000 km2, có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ...). Tổ chức sắp xếp lại khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển chế biến thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khai thác thủy sản, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản tận diệt ven bờ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt tập trung lãnh đạo phát triển các vùng du lịch trọng điểm mà tỉnh đã xác định, trong đó cần tiếp tục xác định Phú Quốc phải trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế theo định hướng của Trung ương.

Thời gian qua công nghiệp của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa cao và cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số quản trị hành chính công, thực hiện tốt cải cách hành chính, kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển.

Tỉnh cần nâng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế (thời gian qua công nghiệp của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa cao, trong khi còn dư địa có thể phát triển tốt hơn). Cần có chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý chặt chẽ quy hoạch về đất đai, đô thị, rừng. Tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính thực chất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường liên kết vùng, nhất là liên kết với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang là điểm nghẽn của cả khu vực và Kiên Giang.

Về hạ tầng của tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp… để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, dự án tuyến đượng Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, các tuyến đường biên giới, đường ven biển, các tuyến cao tốc, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, các vấn đề về biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, chú ý liên kết với các tỉnh trong vùng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng, phát huy thế mạnh của toàn vùng gắn với TPHCM, với phát triển kinh tế biển, vươn ra biển, ra thế giới để hội nhập, đi vào cửa ngõ châu Á – Thái Bình Dương với tầm nhìn lớn.

Hai là, quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách và an sinh xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng mức sống người dân, quan tâm hơn nữa công tác phát triển văn hóa, chỉ số phát triển con người. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với đất nước, thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân vùng căn cứ cách mạng đã chịu nhiều thiệt hại, mất mát, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.

Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ... Phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả; chú trọng thực hiện các chương trình y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/02/2020 thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tập trung vào giảm nghèo bền vững, giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phải xem vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội là vấn đề quan trọng gắn liền với phát triển bền vững, nhất là ở địa bàn du lịch trọng điểm như đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Cùng với việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh cần chú ý kết hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn với đặc thù của địa phương (an ninh biên giới, vùng biển); xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết trấn áp và triệt xóa tội phạm có tổ chức. Quan tâm công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng.

Bốn là, tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả thiết thực. Song trước yêu cầu đòi hỏi của giai đoạn tới, Đảng bộ cần tiếp tục xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, dồn sức tập trung chỉ đạo; chú ý phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tăng cường sự đoàn kết thống nhất, không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, năng động, sáng tạo hơn trong lãnh đạo, điều hành, nhất là tập thể Thường vụ, Thường trực, từng cấp ủy viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiêu biểu, gương mẫu, tiên phong trong rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương trong Đảng; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Tiếp tục làm tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt phải quan tâm việc tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa có đức, có tài, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp với đặc điểm, thế mạnh tỉnh cho trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm.

Năm là, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng vươn lên trong Đảng bộ và Nhân dân, nhằm động viên tối đa mọi nguồn lực, sức sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, trước nhân dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, thảo luận sâu những hạn chế, những yếu kém, đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn, đặc biệt cần tập trung phân tích kỹ, sâu sắc nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, yếu kém đó, nêu rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp khắc phục, tiếp tục đưa Kiên Giang phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh VGP/Lê Sơn

Xác định mục tiêu, tập trung lãnh đạo, giải pháp đột phá

Báo cáo Chính trị trình Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD; cơ cấu kinh tế nông-lâm-thủy sản chiếm 25%, công nghiệp-xây dựng chiếm 25,4%, dịch vụ chiếm 49,7%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,45%; thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 276.128 tỷ đồng; đến 2025 có 60% trở lên số trường đạt chuẩn quốc gia; 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 90%, dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 65%...

Tỉnh tập trung vào các khâu đột phá là: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.

Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tổ chức thực hiện có hiệu quả là tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường công tác dân vận và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có chiều sâu; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Tại Đại hội lần này, các đại biểu sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bìnhđã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/kien-giang-duy-tri-la-tinh-dan-dau-khu-vuc-kha-cua-ca-nuoc-vao-nam-2030/410831.vgp