Kiến nghị chưa áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Nhằm cung cấp thêm bằng chứng khoa học cho Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, sáng 17/10, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã công bố Báo cáo nghiên cứu 'Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường'. Theo đó, Báo cáo đưa ra khuyến nghị: Chưa nên áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Theo nghiên cứu, nếu áp Thuế Tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường, quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong ngành bị co hẹp. Giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,772%- tương đương 5.650 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc áp thuế sẽ tác động tới 24 ngành khác trong liên hệ ngành, làm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601% (tương đương 55.077 tỷ đồng, GDP giảm 0,448% (tương đương 42.570 tỷ đồng). Thu nhập lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6% (tương đương 34.534 tỷ đồng).

Như vậy, trong năm đầu áp dụng Thuế Tiêu thụ đặc biệt (năm 2026) ước tính nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%. Nhưng đến năm kế tiếp (2027), thuế gián thu bắt đầu suy giảm 0,495%. Các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm. Từ đó, CIEM kiến nghị: Chưa áp dụng Thuế Tiêu thụ đặc đối với mặt hàng này.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, có tới 400 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và 2.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. Hàng năm toàn ngành đóng góp vào ngân sách khoảng gần 60.000 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 87.000 lao động.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Diệu Huyền - Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/kien-nghi-chua-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-239907.htm