Kiến tạo thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp
Nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của thị trường bảo hiểm, hàng năm, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thường xuyên được rà soát, xây dựng, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có những thay đổi cơ bản nhằm kiến tạo thị trường và tạo cơ hội cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm tại Kỳ họp thứ ba. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Hóa giải nhiều “nút thắt” trên thị trường bảo hiểm
Trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ: Quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khiêm tốn, với tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp (khoảng 3%) so với các nước tiên tiến trong khu vực (10%) và trên thế giới (7%); số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 11% dân số.
Trong khi đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cuộc sống người dân được cải thiện, nhu cầu bảo hiểm trong khu vực công, khu vực công nghiệp, thương mại, hộ gia đình và dân cư đang ngày càng cao và đa dạng đòi hỏi có những sản phẩm bảo hiểm linh hoạt, đa dạng và toàn diện.
Để đáp ứng các nhu cầu trên, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chủ động hơn trong thiết kế, xây dựng và triển khai sản phẩm bảo hiểm.
Theo đó, DNBH chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc), thay vì phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm như trước đây. Quy định mới này không chỉ tăng quyền chủ động, linh hoạt cho DN trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm bảo hiểm, mà còn giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao do việc ứng dụng thành tựu công nghệ còn chưa đồng đều, chưa sâu (do các DN chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ thực hiện).
Tình trạng cạnh tranh gay gắt dẫn đến chi phí DNBH chi trả cho kênh phân phối lớn, từ đó làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp, hoặc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ khách hàng; Đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp; Hiệu quả hoạt động chưa cao do phụ thuộc nhiều vào nhà tái bảo hiểm nước ngoài.
Nhằm tạo thuận tiện và gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng phù hợp xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có các quy định nhằm khuyến khích DN ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản trị DN, cũng như phương thức cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
Theo các quy định này, DNBH được chủ động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng, các tổ chức phân phối dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm của DNBH qua mạng được xác định vị trí pháp lý rõ ràng. Việc cung cấp sản phẩm dịch vụ qua mạng cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định, qua đó bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có các quy định về nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh như cấm đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm; quy định về nguyên tắc hoạt động của đại lý, những điều đại lý bảo hiểm không được làm, bổ sung khái niệm hoạt động môi giới bảo hiểm, quyền của DN môi giới bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm để nhằm chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm.
Một số DNBH trong nước có năng lực cạnh tranh thấp, do vốn còn nhỏ, quản trị DN yếu, khả năng kiểm soát rủi ro của một số DNBH còn hạn chế; chất lượng cán bộ chưa theo kịp và chưa đáp ứng với sự phát triển của thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới mô hình quản lý giám sát theo hướng hiện đại, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung quy định đổi mới quản lý tài chính DNBH bao gồm yêu cầu DNBH tự xác định vốn trên cơ sở rủi ro và DNBH phải duy trì vốn thực có cao hơn so với vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính; bổ sung các quy định về chuẩn hóa cơ cấu tổ chức của DNBH, người quản lý, người giám sát.
Quy định hiện hành yêu cầu DN công khai, minh bạch thông tin chưa đầy đủ, còn thiếu các thông tin mang tính cập nhật hoặc thông tin về các tình huống có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống rửa tiền theo khuyến cáo của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG).
Để giải quyết vấn đề này, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã hoàn thiện các quy định về công khai thông tin của DNBH nhằm nâng cao tính minh bạch và dễ tiếp cận của thông tin.
Theo đó, Luật phân nhóm và yêu cầu DNBH thực hiện công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường; quy định về các phương thức công khai thông tin và thời hạn công khai thông tin. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về nội dung công khai thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu của APG...
Ngoài các nội dung trên, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của DNBH nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tạo cơ hội cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp
Không chỉ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên thị trường bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có những thay đổi cơ bản nhằm tạo cơ hội cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp.
Một là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của DNBH.
Môi trường pháp lý được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài như các tập đoàn tài chính, bảo hiểm cũng như các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực kinh tế lớn. Đây cũng là cơ sở để thị trường bảo hiểm tăng trưởng, do nhiều DN tham gia hơn sẽ cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng. Cùng với đó, DNBH sẽ tăng cơ hội kinh doanh và doanh thu do được chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm mới. Đối với DN ứng dụng công nghệ sẽ tiết kiệm chi phí nhân sự, vận hành bộ máy bán hàng, tăng lợi ích kinh tế.
Hai là, việc chuyển đổi sang mô hình vốn trên cơ sở rủi ro góp phần nâng cao tính an toàn tài chính, an toàn hệ thống của thị trường bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm sẽ minh bạch hơn, do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Ba là, việc thay đổi phương thức quản lý giám sát từ can thiệp sau sang can thiệp sớm sẽ góp phần hạn chế số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Bốn là, việc hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng tăng tính minh bạch về sản phẩm (từ phía DNBH) và đối tượng được bảo hiểm (từ phía bên mua bảo hiểm), nhằm giảm tranh chấp có thể phát sinh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, an toàn.
Như vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có những thay đổi cơ bản nhằm kiến tạo thị trường và tạo cơ hội cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của DNBH nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.