Kiều bào tại Thái Lan tôn vinh 'Những người gieo vần chữ nơi đất khách'
Nỗ lực và quyết tâm bền bỉ cùng tình yêu tiếng Việt tha thiết của các thầy cô kiều bào tại Thái Lan đã giúp duy trì thành công việc dạy và học tiếng Việt ở đây ngay cả trong những năm tháng gian khó, vất vả nhất.
Hội người Việt Nam toàn Thái (Tổng hội) hôm 11/11 đã tổ chức lễ kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) tại Chùa Diệu Giác, tỉnh Mukdahan, Đông Bắc Thái Lan. Buổi lễ là dịp để các thế hệ Việt kiều tại Thái Lan tôn vinh và tri ân các giáo viên, cựu giáo viên đã có nhiều đóng góp trong công tác duy trì và phát triển tiếng Việt tại Thái Lan.
Hàng trăm các thầy, cô giáo và nhiều thế hệ học trò kiều bào ở Thái Lan đã cùng có mặt tại buổi lễ đặc biệt này, cùng tri ân những người “gieo vần chữ nơi đất khách”, góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt cho con em kiều bào tại Thái Lan.
Trong bài phát biểu chào mừng các thầy cô tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Chu Đức Dũng nhấn mạnh: Tổng lãnh sự rất vui mừng khi thấy ở Thái Lan kiều bào vẫn tiếp tục duy trì phòng trào dạy tiếng Việt. Các cô giáo không chỉ dạy tiếng Việt thông thường mà còn gieo mầm tình yêu Tổ quốc, khơi dạy niềm tự hào dân tộc, luôn yêu quê hương đất nước Việt Nam.
Chủ tịch Tổng hội Nguyễn Ngọc Thìn ôn lại những năm tháng tuổi thanh xuân, với ký ức về hình ảnh các thầy cô tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến, dạy dỗ con em Việt kiều. Tại thời điểm đó, kiều bào ta, bất chấp khó khăn, vẫn dành những bữa cơm để nuôi các thầy cô, hay dành một phần chỗ ở của gia đình để làm lớp học. Chính những điều giản dị đó đã tạo nên những kỳ tích rất đáng tự hào trong nỗ lực duy trì tiếng Việt cho con em kiều bào nhiều thế hệ.
Xúc động ôn lại những hy sinh của nhiều thầy cô để gieo vần chữ đến bao thế hệ người Việt tại Thái Lan, thầy Dương Văn Tăng, hiện là Trưởng Ban Giáo dục Hội người Việt Nam tỉnh Mukdahan cho biết, trong suốt chặng đường dài, hàng ngũ giáo viên Việt kiều đã hy sinh tuổi thành xuân cho sự nghiệp giáo dục của con em kiều bào. “Khó khăn gian khổ không thể làm cho thầy cô lùi bước, vẫn quyết chí vươn cao dìu dắt học trò của thầy cô đến vinh quang”, thầy Dương Văn Tăng khẳng định.
Nỗ lực và quyết tâm bền bỉ cùng tình yêu tiếng Việt tha thiết của các thầy cô kiều bào, đã giúp duy trì thành công việc dạy và học tiếng Việt tại Thái Lan ngay cả trong những năm tháng gian khó, vất vả nhất.
Hướng về tương lai, khi mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan đang không ngừng phát triển, tiếng Việt lại đang đứng trước những nguy cơ mai một khi số lượng con em Việt kiều thế hệ thứ 3, thứ 4 và thứ 5 học tiếng Việt ngày càng ít.
Trước tình hình này, thầy Nguyễn Trường Thi, Trưởng Ban Giáo dục tỉnh Nakhon Phanom, cho biết thầy cô đang nỗ lực vận động, thuyết phục gia đình và các con em tham gia các lớp học tiếng Việt.
“Những ngày như thế này chính là dịp để các thầy, cô tự hào nhìn lại chặng đường của kiều bào, là động lực thúc đẩy cho tất cả các thầy, cô tiếp tục con đường bảo tồn tiếng Việt, tiếp tục đi đúng hướng con đường nhà giáo mà các thầy, cô đã chọn”, thầy Thi chia sẻ.
“Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là truyền thống suốt bao đời của người dân Việt Nam, và ngày 20/11 luôn là dịp để tôn vinh “những người lái đò thầm lặng” đưa các lứa học trò “qua sông”. Đây cũng là dịp để học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô của mình.
Phát huy vai trò quy tụ, tập hợp để củng cố, xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan vững mạnh, đoàn kết, Hội người Việt Nam toàn Thái đã và đang triển khai những kế hoạch thiết thực để tôn vinh thầy cô giáo Việt kiều, đồng thời khôi phục, mở rộng các lớp dạy và học tiếng Việt với tâm niệm: “Tiếng Việt còn thì người Việt còn”.