Kinh tế Ấn Độ có vẻ đã sẵn sàng cất cánh
Theo tính toán của Morgan Stanley, Ấn Độ sẽ đóng góp 28% vào tăng trưởng của châu Á và 22% vào tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.
Sau khi tái đắc cử năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi đã chuyển từ tự do thương mại sang tăng cường tự cung tự cấp, sử dụng chính sách công nghiệp và thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước thay thế cho nhập khẩu. Bà Rupa Subramanya - thành viên của Quỹ châu Á Thái Bình Dương của Canada và là đồng tác giả của "Indianomix: Tạo cảm giác về Ấn Độ hiện đại" viết trên Nikkei Asia rằng nền kinh tế Ấn Độ đã sẵn sàng để cất cánh.
Nền kinh tế Ấn Độ cuối cùng đã sẵn sàng để cất cánh? Đó là tiền đề cho bài phát biểu của ông Modi cuối tháng trước nhân kỷ niệm 75 năm độc lập của Ấn Độ, khi nhà lãnh đạo này kêu gọi toàn thể người dân cùng nỗ lực đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển vào "sinh nhật" thứ 100 - tức vào năm 2047.
Trong bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ, Thủ tướng Modi đã nêu lên sức mạnh của Ấn Độ trong nghiên cứu và đổi mới nâng cao năng suất, và những bước tiến mà chính phủ của ông đã đạt được trong việc số hóa nền kinh tế, trong đó mạng di động 5G sẽ sớm được triển khai.
Trong khi ông Modi tỏ ra lạc quan với tư cách là người lãnh đạo Ấn Độ, những tiếng nói khác cũng đang ca ngợi quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley trong tháng này đã dự đoán Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong tài khóa hiện tại, bắt đầu từ tháng 4.
Trích dẫn nhu cầu trong nước tăng cao, thành quả của cải cách kinh tế, dân số trẻ và mức độ đầu tư kinh doanh cao và sự tự tin, ngân hàng Mỹ dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7% trong giai đoạn này. Theo tính toán của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), Ấn Độ sẽ đóng góp 28% vào tăng trưởng của châu Á và 22% vào tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết: “Nền kinh tế được thiết lập để vận hành tốt nhất trong hơn một thập niên khi nhu cầu bị dồn nén đang được giải phóng. Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm tài chính vừa qua từ cơn đại dịch, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội là 8,7%”.
Khi nền kinh tế Trung Quốc (TQ) đang tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ đang bắt kịp và có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sớm hơn dự kiến. Ông Ruchir Sharma, cựu chiến lược gia của Morgan Stanley hiện đứng đầu chi nhánh quốc tế của Rockefeller Capital Management, gọi Ấn Độ là "ngôi sao đột phá" của một nền kinh tế toàn cầu đang "thiếu máu".
Tháng trước khi cắt giảm dự báo tăng trưởng hàng năm của Ấn Độ từ 8,2% xuống 7,4%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nền tảng cơ bản của nước này vẫn ổn định, đổ lỗi cho việc cắt giảm là do môi trường bên ngoài ngày càng tồi tệ và tác động của thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.
Vào cuối những năm 2000, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng tăng nhanh chóng, trong thời gian ngắn đạt tốc độ hai con số chóng mặt, điều từng thấy khi nền kinh tế TQ trỗi dậy. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Ấn Độ trở thành chủ đề nóng được bàn bạc sôi nổi, kéo dài rằng thời của quốc gia cuối cùng đã đến.
Tuy nhiên, nó đã không kéo dài. Vào đầu những năm 2010, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ giảm dần, để lại các vụ đầu tư thất bại và hàng núi các khoản vay kinh doanh kém hiệu quả, mặc dù Ấn Độ đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn nhiều nền kinh tế lớn khác.
Liệu lần này sẽ khác? Bà Subramanya lạc quan cho rằng quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ có vẻ vững chắc hơn. Không như cuối những năm 2000, Ấn Độ đã đạt được mức độ ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn nhiều, bất chấp những cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra và sự phong tỏa khắc nghiệt mà chính phủ áp đặt vào đầu năm 2020.
Dự trữ ngoại hối của nước này vẫn dồi dào ngay cả khi các nước láng giềng Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh đã bắt đầu cạn kiệt. Tỉ lệ lạm phát giá tiêu dùng 7% của Ấn Độ, cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương là từ 2% đến 6%, nhưng so với các nền kinh tế lớn như Mỹ và Anh, New Dehli đang kiểm soát lạm phát tốt hơn nhiều.
Mặt khác, vào cuối những năm 2000, tốc độ tăng trưởng cao của Ấn Độ một phần là do kích thích kinh tế vĩ mô chưa từng có, dẫn đến nền kinh tế phát triển quá nóng, sau đó là tốc độ mở rộng giảm dần. Tốc độ tăng trưởng nhanh ngày nay hữu cơ hơn, được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước mạnh mẽ và không quá phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu.
Những cải cách khiêm tốn nhưng đáng kể của chính phủ Ấn Độ đã cải thiện phần nào môi trường kinh doanh trong khi chương trình số hóa và liên kết các chương trình với hệ thống nhận dạng sinh trắc học quốc gia đã cải thiện hiệu quả và giảm tham nhũng.
Sau khi tái đắc cử năm 2019, Thủ tướng Modi đã chuyển từ tự do thương mại sang tăng cường tự cung tự cấp, sử dụng chính sách công nghiệp và thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước thay thế cho nhập khẩu. Ấn Độ không đơn độc trong hướng đi này khi Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác cũng có bước chuyển mình theo chủ nghĩa trọng thương tương tự.
Đây là những dấu hiệu đầy hứa hẹn về cách tiếp cận chính sách kinh tế cân bằng hơn từ chính phủ của Thủ tướng Modi, không giống như thử nghiệm chính sách phi tiền tệ hóa triệt để vào năm 2016 bằng chiến dịch đổi tiền đột ngột gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế dựa trên tiền mặt. Chính phủ cũng đã thận trọng đối phó với sự bùng phát COVID-19, tránh tác động kinh tế ngột ngạt như các đợt phong tỏa ở TQ.
Vào dịp kỷ niệm 75 năm độc lập, Ấn Độ cuối cùng có thể đã sẵn sàng để đạt được kỳ vọng mà trước đây thường dẫn đến thất vọng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te-an-do-co-ve-da-san-sang-cat-canh-post697199.html