Kinh tế Canada giảm tốc độ tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế Canada trong quý I/2019 chỉ ước đạt mức tăng 1,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại quốc gia này kể từ quý II/2016 trở lại đây.

Tác động từ cuộc chiến thương mại

Là quốc gia có nền kinh tế nhiều năm nằm trong top đầu thế giới, song gần đây, Canada liên tục phải đối mặt với nhiều vấn đề có nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thị trường bất động sản lao dốc, tình trạng thất nghiệp gia tăng đang khiến các nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Mỹ đau đầu.

Chuyên gia kinh tế Doug Porter thuộc BMO Financial Markets nhận định, kinh tế Canada đang ở một chu kỳ mà đáng lẽ vốn đầu tư vào tài sản cố định và tư liệu sản xuất phải có bước nhảy vọt, nhưng điều này đã không xảy ra. Những vấn đề bất ổn trên đang là nút thắt cản trở đưa dòng vốn vào nền kinh tế và khiến Canada đang khó lấy lại đà tăng trưởng như một số năm trước.

Thị trường bất động sản Canada có dấu hiệu “xì hơi”

Thị trường bất động sản Canada có dấu hiệu “xì hơi”

Tăng trưởng kinh tế Canada trong quý I/2019 chỉ ước đạt mức tăng 1,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại quốc gia này kể từ quý II/2016 trở lại đây.

Hiện tại, căng thẳng thương mại leo thang trên toàn cầu đang là nhân tố tạo ra sức ép mạnh mẽ đối với kinh tế của quốc gia Bắc Mỹ này. Canada là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, trong đó thương mại đóng góp khoảng 1/4 cho nền kinh tế Canada, nhiều gấp đôi so với mức tương ứng 12% ở Mỹ.

Bởi vậy khi Tổng thống Mỹ quyết định đàm phán lại NAFTA đã gây không ít khó khăn cho hoạt động thương mại của Canada. Theo tính toán của C.D. Howe Institute (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada), kinh tế Canada có thể sụt giảm 0,4% và phúc lợi kinh tế sẽ giảm hơn 10 tỷ USD khi tham gia Hiệp định NAFTA phiên bản mới.

Khó khăn lại càng chồng chất khi Canada đang mắc kẹt trong căng thẳng Mỹ-Trung sau khi Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu Washington.

Trong một động thái được giới quan sát cho là để trả đũa Ottawa, Bắc Kinh đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một số nông sản của Canada.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là một trong những khách hàng mua nhiều nông sản của Canada nhất, đồng thời là một thị trường đang tăng trưởng đối với các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các nhà sản xuất đồ xa xỉ phẩm của Canada. Do đó, khi căng thẳng thương mại giữa hai nước bị đẩy lên cao, giá nhiều nông sản của Canada được dự báo sẽ giảm khi lượng hàng không bán được sẽ dồn lại.

Gánh nặng nợ hộ gia đình

Bên cạnh rủi ro từ cuộc chiến thương mại, tác động tiêu cực do quá trình "xì hơi" bong bóng bất động sản từ cuối năm ngoái vẫn gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế nằm trong nhóm G7. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, Canada đang đối mặt với những nguy cơ đáng kể về tăng trưởng do biến động thị trường nhà đất gây ảnh hưởng đến bảng cân đối của các ngân hàng và lan ra toàn nền kinh tế.

Tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ hồi năm 2008, hệ quả tất yếu của sự tăng trưởng quá nóng thị trường bất động sản chính là nợ của hộ gia đình tăng cao khi người dân cố dành tiền để mua nhà. Đây chính là lỗ hổng nghiêm trọng, nguyên nhân chính đằng sau việc 6 ngân hàng lớn nhất Canada đã bị hạ tín nhiệm hồi năm ngoái.

Gánh nặng nợ nần gia tăng đã khiến các hộ gia đình giảm chi tiêu, đồng thời khiến các doanh nghiệp cắt giảm hoạt động đầu tư kinh doanh được xem là nguồn quan trọng kế tiếp để tạo tăng trưởng. Đây cũng là nguyên nhân khiến chính phủ liên bang đã công bố các biện pháp ưu đãi thuế doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la trong năm ngoái, tuy nhiên cho đến hiện tại tác động đưa lại từ các biện pháp giảm thuế chưa thực sự rõ ràng.

Lo ngại mới về thất nghiệp

Một vấn đề mới mà chính phủ Canada đang phải giải quyết trong những tháng gần đây là tình trạng gia tăng đáng lo ngại của tỷ lệ thất nghiệp. Theo Báo cáo việc làm mới nhất của Cơ quan Thống kê Canada (Statistics Canada) công bố hôm 9/8, nền kinh tế Canada đã để mất 24.000 việc làm trong tháng 7/2019, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên 5,7%. Diễn biến này đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp thị trường việc làm có những số liệu không mấy lạc quan.

Gần đây, hãng xe General Motors đã đưa ra thông báo kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Oshawa vào cuối năm 2019. Động thái này sẽ khiến thêm 2.500 người mất việc làm và gây tác hại kinh tế cho vùng này.

Trước những rủi ro đặt ra như vậy, các nhà phân tích đang kỳ vọng Canada sẽ có thể thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất trong 2 quý cuối năm. Theo dự báo của Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC), Ngân hàng Trung ương Canada có thể sẽ hạ lãi suất xuống 1,5% trong 2 quý tới, so với mức 1,75% hiện nay. Mức giảm 0,25% không phải là mức giảm mạnh nhưng nó đánh đi một thông điệp đáng lưu ý về kỳ vọng hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào tài sản cố định/tư liệu sản xuất sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế trong năm 2019.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-te-canada-giam-toc-do-tang-truong-91019.html