Kinh tế Mỹ tăng trưởng, tạo thêm áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất

Nền kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể vào đầu năm khi số liệu tiêu dùng vừa được công bố đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong gần 2 năm gần đây, tạo áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất lên cao hơn nữa.

Thế khó của Fed

Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng trước đã tăng mạnh nhất trong gần hai năm theo dữ liệu vừa công bố ngày 15/2, kết hợp với báo cáo lạm phát công bố 1 ngày trước đó cho thấy mức tăng giá tiêu dùng hàng năm cao hơn dự báo.

Các số liệu kinh tế dường như đang bác bỏ những nỗ lực của Fed nhằm giảm tốc độ tăng lãi suất. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên, được hỗ trợ bởi thị trường việc làm vững chắc, trong khi lạm phát vẫn dai dẳng và tăng cao.

Điểu này cho thấy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất của Fed trong thời gian qua vẫn chưa có tác dụng như mong đợi. Các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với triển vọng phải làm nhiều hơn nữa trong chiến dịch làm giảm lạm phát - vốn đã chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm ngoái.

Bill Adams - kinh tế trưởng của Comerica Bank cho biết: “Nền kinh tế nói chung đang hoạt động tốt hơn dự kiến cho đến năm 2023 và tốc độ giảm lạm phát cũng chậm lại vào đầu năm. Những dữ liệu đồng thời này khiến Fed có nhiều khả năng gây bất ngờ khi tăng lãi suất trở lại vào năm 2023”.

Một số quan chức Fed hôm thứ Ba nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất hơn nữa, nhưng bày tỏ quan điểm khác nhau về mức độ điều chỉnh.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng, tạo thêm áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng, tạo thêm áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất.

Các thương nhân tiếp tục nhìn thấy khoảng 50-50 cơ hội tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 6, sau khi tăng cùng mức độ đó vào tháng 3 và tháng 5, với kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 5,3% vào tháng 7 năm nay.

Không rõ thời tiết ấm hơn có thể giúp củng cố nhu cầu như thế nào trong tháng và số liệu bán hàng chủ yếu phản ánh chi tiêu cho hàng hóa, nhưng doanh thu tại các nhà hàng và quán bar - danh mục lĩnh vực dịch vụ duy nhất trong báo cáo - đã tăng 7,2% trong tháng Giêng. Đó cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2021, khi vắc xin được tung ra thị trường và người Mỹ đã tận dụng làn sóng kích thích kinh tế mới.

Phần lớn nhu cầu này vẫn bắt nguồn từ thị trường việc làm đang phục hồi mạnh mẽ, vốn là trung tâm của cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Việc tuyển dụng vào tháng trước bất ngờ tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 53 năm, trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ tăng với tốc độ ổn định.

Nền kinh tế dường như không có dấu hiệu chậm lại

Các lĩnh vực của nền kinh tế từng bị ảnh hưởng như sản xuất và nhà ở dường như cũng đang dần ổn định. Theo dữ liệu của Fed, sản lượng của nhà máy trong tháng Giêng đã tăng nhiều nhất trong gần một năm qua.

Trong lĩnh vực nhà ở, tâm lý của người xây nhà đã tăng trong tháng 2 cao hơn dự báo, được thúc đẩy bởi sự lạc quan hơn về doanh số bán hàng, triển vọng và sự gia tăng lưu lượng người mua tiềm năng. Bất chấp một năm 2022 khó khăn đối với bất động sản, niềm tin tăng liên tiếp hàng tháng cho thấy sự lạc quan thận trọng về nhu cầu trong mùa bán hàng quan trọng vào mùa xuân.

Các nhà kinh tế miễn cưỡng đưa ra kết luận về giá trị dữ liệu của tháng 1 và một số ý kiến cho rằng, việc tăng thu nhập từ điều chỉnh chi phí sinh hoạt cho những người nhận an sinh xã hội vào tháng Giêng giúp giải thích một số chi tiêu tăng đột biến. Song, cũng có những ý kiến nghi ngờ về điều này.

Doanh số bán lẻ giúp chứng khoán Mỹ khởi sắc

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/2, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi giảm phiên trước đó bởi nhà đầu tư đón nhận thêm báo cáo thông tin kinh tế tích cực về doanh số bán lẻ trong tháng 1. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 38,78 điểm lên 34.128,05 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 11,47 điểm còn chỉ số Nasdaq tăng 110,45 điểm tương đương 0,9%. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng.

Tuy nhiên, tác động đối với tăng trưởng ngắn hạn là mạnh mẽ. Một số nhà kinh tế đã nâng ước tính của họ về tổng sản phẩm quốc nội trong quý đầu tiên sau báo cáo doanh số bán lẻ, cùng sự phục hồi trong hoạt động sản xuất và nhà ở cũng sẽ tích cực.

Dự báo GDPNow của Atlanta Fed cho quý đầu tiên đã được tăng lên 2,4% từ mức 2,2% sau báo cáo hôm thứ Tư.

Michael Gapen, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Bank of America Corp., một trong hai nhà dự báo chính xác doanh số bán lẻ tăng 3%, cho biết: “Thông điệp là nền kinh tế dường như không có dấu hiệu chậm lại nhanh chóng trong quý đầu tiên”.

Liệu động lực đó có thể được duy trì hay không là một câu chuyện khác. Fed càng tăng lãi suất cao, nguy cơ suy thoái càng lớn. Oxford Economics dự đoán điều đó sẽ xảy ra khi người tiêu dùng đốt hết tiền tiết kiệm và chi tiêu ít hơn.

Hoàng Lê (theo Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-my-tang-truong-tao-them-ap-luc-buoc-fed-phai-tang-lai-suat-121904-121904.html