Kinh tế Xây dựng - Giao thông Đường ven biển mang nhiều khát vọng - kỳ 2: Mở đường nối nhịp bờ vui

TTH - Tuyến đường bộ ven biển Thừa Thiên Huế được đánh giá là 'con đường vàng' với nhiều khám phá thú vị.

Tỉnh lộ 28A sẽ kết nối về đường ven biển khi tuyến Phú Mỹ - Thuận An hoàn thiện. Ảnh: Văn Minh

Xưa người Việt mình, có làng và có xóm là có đường. Các làng vùng ven biển Thừa Thiên Huế có lịch sử hàng trăm năm. Đường ven biển do vậy cũng hình thành từ đó, có điều đó chỉ những con đường làng vô danh ngắn ngủi, bị nhiều chia cắt. Mãi cho tới khi đã mang danh đường 49B, nhưng mặt đường chỉ rộng 3 - 5m và nhiều đoạn rất hẹp và xấu khiến cho nhiều người qua lại vẫn không biết đây là… quốc lộ.

Đáng buồn là tình trạng đó đã kéo dài. Vào Đà Nẵng, tôi được biết ngay từ trước năm 2010, thành phố này đã xây dựng tuyến đường ven biển dài 27km, từ bán đảo Sơn Trà đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam là đường Hoàng Sa - Trường Sa đẹp nổi tiếng. Từ khi tuyến đường ven biển này được hình thành, TP. Đà Nẵng phát triển nhộn nhịp hơn về kinh tế, du lịch. Nhiều khu resort đẳng cấp quốc tế đã mọc lên trên tuyến đường này cùng với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất. Hay ở Quảng Ngãi, kể từ khi tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh kết nối với các tỉnh Quảng Nam và Bình Định được xây dựng, rất nhiều dự án lớn cũng được đầu tư, đưa vùng đất ngày xưa vốn là những đồi cát trắng "cất cánh".

Quốc lộ 49B đến nay xem ra vẫn chưa phải là đường ven biển thực thụ khi có nhiều đoạn cách bờ biển vài cây số, hướng tuyến lại khá vòng vèo, xuyên qua các khu dân cư đông đúc. Chưa kể, bề rộng mặt đường tối đa chỉ 7,5m và một số nơi chưa tới 5,5m. Bởi vậy nhớ cách nay vài năm, đã có ý kiến muốn có đường ven biển chỉ cần mở rộng QL 49B, không cần làm đường mới, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu đầu tư theo tuyến có sẵn thì không tạo ra các không gian, nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và đầm phá. Việc khai thác quỹ đất hai bên QL 49B để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư là rất hạn chế, không tạo được động lực mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ven biển.

Con đường ven biển qua phác thảo của ông Vui lúc đó và được hình thành trong tương lai không xa mà tôi được biết, do thế sẽ đi ra gần bờ biển hơn. Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua với điểm nhấn là tuyến đường ven biển có điểm đầu tại Tỉnh lộ 22 (xã Điền Hương, huyện Phong Điền - giáp tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối giáp khu quy hoạch xây dựng đô thị Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô ở huyện Phú Lộc. Tổng chiều dài gần 127km, đi qua 21 xã, thị trấn thuộc 4 huyện và 1 thành phố; trong đó, có chừng một nửa là đoạn tuyến mới, đoạn còn lại trùng với Quốc lộ 49B hiện hữu và Tỉnh lộ 22, rộng 26 - 36m. Tuyến đường này sẽ kết nối vào tuyến đường du lịch ven biển xuyên suốt từ Bắc chí Nam, đi dọc bờ biển Thừa Thiên Huế.

Khánh Hòa luôn lấy tuyến đường dọc biển làm phân cách giữa biển và các khách sạn, resort và vì thế, ai cũng có thể tắm biển. Không phải ngẫu nhiên mà Ninh Thuận - Khánh Hòa được xem là một trong những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam. Cung đường đi qua những con đường biển trong xanh và trải dài vô tận. Cùng với đó là những cánh đồng xanh ngát, những bãi san hô rộng lớn và cực kỳ xinh đẹp dưới làn nước trong vắt trong ánh nắng chan hòa. Hai trục đường ven biển là Nguyễn Tất Thành và Trần Phú - Phạm Văn Đồng cũng được xem là hai con đường “hái ra tiền” ở Khánh Hòa. Đọc đề án quy hoạch tôi đã nhớ tới những con đường "con đường vàng" ven biển ở Khánh Hòa và cũng chợt nhớ đã có một “vết xe đổ” cần tránh là Lăng Cô khi vì do nhiều lý do khác nhau, quỹ đất phần sát biển gần như dành hết cho nhà đầu tư. Có lẽ, những người làm quy hoạch đã thấm thía và họ đã rút ra kinh nghiệm sâu sắc từ Lăng Cô khi triển khai dự án quan trọng này.

Khác biệt và cũng là đặc sắc của Thừa Thiên Huế là vùng đất ven biển cũng đồng thời chạy dọc theo vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ven theo cung đường, do thế vừa là cảnh đẹp của biển, từ hoang sơ, ẩn chứa nhiều khám phá thú vị như Tân Hội (Điền Lộc), Cương Gián (Quảng Công), Hàm Rồng (Vinh Hiền) hay đã khá đông vui và tấp nập như Thuận An, Chân Mây - Lăng Cô; vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vốn được mệnh danh lớn nhất và có vẻ đẹp độc đáo nhất Đông Nam Á. Hiếm có nơi nào vừa có thể cùng lúc thưởng đặc sản biển lại có nhấn nhá hương vị thơm ngon của con cá, con tôm vùng đầm phá nước lợ tuyệt vời như tại nơi đây.

Khi tôi viết bài này, đường mới vẫn còn là dự án trên giấy, nhưng trên thực tế đã có không gian và nguồn lực mới được hình thành và tạo ra nơi đây. Đã có nhiều dự án du lịch được triển khai xây dựng, như Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng đảo Cồn Sơn (xã Phú Thuận), dự án Hue Amusement and Beach Park thuộc Tập đoàn PSH Tây Ban Nha ở Vinh Thanh và Vinh An, Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương… Mới đây nhất, UBND huyện Phú Lộc vừa tổ chức công bố quy hoạch phân khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Giang Hải và xã Vinh Hiền, có quy mô 717ha, trong đó diện tích thuộc xã Vinh Hiền khoảng hơn 548ha, diện tích thuộc xã Giang Hải khoảng hơn 160ha.

Một khi tuyến đường bộ ven biển Thừa Thiên Huế được đánh giá là “con đường vàng” được kết nối, nắn sửa và xây dựng hoàn chỉnh sẽ là con đường du lịch lý tưởng. Khoảng cách từ 2 đầu Điền Lộc và Vinh Hiền sẽ được rút ngắn lại. Lúc đó, ngày hè buổi sáng ta có thể bắt đầu hình trình khám ở đô thị mới Điền Lộc, ngắm bình minh trên bãi biển Tân Lộc; buổi trưa dừng lại Thuận An hay Vinh Thanh để trải nghiệm về biển, chiều tà có thể tắm biển Hàm Rồng hay dạo bước lên núi Túy Vân, xưa được vua Thiệu Trị (1807 - 1847) liệt vào hàng thứ 9 trong "Thần kinh nhị thập cảnh". Ở đó, ta vãn cảnh chùa Thánh Duyên và rồi lên đến điếu ngư đài. Đứng ở tầng cao nhất của tháp, nhìn xuống sẽ là con đường ven biển nối dài như vô tận và phóng tầm mắt ra xa là cảnh non nước hữu tình với đầm phá bát ngát mênh mông và núi non xanh lam mờ ảo…

Nguyễn Đình Nam

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/duong-ven-bien-mang-nhieu-khat-vong-ky-2-mo-duong-noi-nhip-bo-vui-a111299.html