Kỳ cuối: Sự thăng hoa của hội họa

Ở lĩnh vực hội họa về đề tài văn hóa – con người thủ đô Hà Nội, những năm qua thật sự đã phát triển cả về số lượng họa sĩ và chất lượng tác phẩm. Nhiều họa sĩ đã tìm tòi, thể nghiệm những lối đi riêng với sự thăng hoa nổi bật trong cá tính sáng tạo, song vẫn tô đậm văn hóa người Tràng An.

Thành phố trầm mặc trong tranh

Một trong những người công phu là họa sĩ Hoàng Hưng. Đến thăm, ngôi nhà đầy tranh của ông (47 Đốc Ngữ - Hà Nội) tôi nhận ra, là người đã thể hiện tình yêu Hà Nội bằng cách gìn giữ sắc màu bằng tranh, bằng tâm hồn rộng lượng và đa cảm. Đó là gìn giữ phần nào nét độc đáo xưa, cái hồn cốt của thủ đô văn hiến. Chúng ta biết rằng, Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho không biết bao nhiêu văn nghệ sĩ, bởi những tinh hoa, nét đẹp văn hóa đặc sắc. Thủ đô đã được khắc họa đậm nét trong tranh của các danh họa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Văn Thơ…

Ở thế hệ sau này, Hoàng Hưng đã gắn với những cảnh vật nên thơ ở Hà Nội từ tấm bé, với những mùa thả diều, câu cá, hái sen, những mái chùa, góc phố, hàng cây... Tất cả đều có thể chưng cất thành tác phẩm nghệ thuật, thành tranh. Tranh của Hoàng Hưng có hoài niệm, da diết, cảm thương về nét Tràng An thuở nào yên bình. Đó là một thiếu nữ mặc yếm thắm gánh hàng hoa trên con đường mòn, một tà áo nữ sinh thướt tha trong chiều phố cổ hay chân dung một thiếu nữ đa tình trước Hồ Gươm trầm mặc, lại có thể là một góc phố thanh bình liễu rủ...

Họa sĩ Hoàng Hưng và bức tranh về Hà Nội

Họa sĩ Hoàng Hưng và bức tranh về Hà Nội

Hoàng Hưng, ông chính là tác giả bức phù điêu có tên Chàng thể thao Phù Đổng với kích thước 9mx3m, được đặt tại khu Liên hợp Thể thao quốc gia, là phù điêu thể thao lớn nhất ở Việt Nam. Chàng thể thao Phù Đổng khẳng định truyền thống văn hóa và tinh thần thể thao Việt Nam trước bạn bè thế giới. Nói về bức phù điêu này, họa sĩ Hoàng Hưng tâm sự: “Thực ra, tôi chọn biểu tượng này cũng vì giá trị tinh thần dân tộc của câu chuyện Thánh Gióng chống giặc phương Bắc. Hơn nữa, Hội khỏe Phù Đổng cũng đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh như là một bài học giáo dục truyền thống dân tộc. Với Chàng thể thao Phù Đổng, tôi muốn nhấn mạnh một biểu tượng mới của thể thao Việt Nam”.

Tranh của Hoàng Hưng còn vươn ra thế giới, những bức tranh đó giúp cho nhiều người nước ngoài biết đến thủ đô Hà Nội đầy bản sắc. Vẽ về Hà Nội, Hoàng Hưng không chỉ chú ý đến cảnh, người, hoa mà quan trọng hơn là ông quan tâm nhiều đến chất văn hóa đậm đà rất... Tràng An. Ông đã vẽ Ô Quan Chưởng nhiều lần ở nhiều góc độ cảm nhận khác nhau, cũng như nhiều lần cách điệu Khuê Văn Các, là biểu trưng của văn hóa Việt Nam. Ông cũng đã hoàn thành bức tranh Tiếng vọng đất thiêng, đồng hiện những biểu trưng đặc sắc nhất về Hà Nội như vua Lý Thái Tổ, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng, cổng thành Hà Nội. Ngoài ra còn có hình ảnh núi non, lau lách của cố đô Hoa Lư, nơi trước khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long.

Thủ đô Hà Nội cũng trầm mặc trong tranh các họa sĩ đương đại như Phạm Kỳ Vinh, Thanh Thục, Phạm Ánh, Văn Dương Thành, Phạm Bình Chương… Đôi khi chỉ là những ý niệm, khoảnh khắc, vài nét chấm phá, nhưng hồn cốt Hà Nội vẫn hiện lên rõ nét. Trần Thanh Thục - một nữ họa sĩ ở dòng tranh cắt vải hiếm hoi cũng đi tìm vẻ đẹp thành phố thân yêu theo cách riêng của mình bằng tranh trường cảnh, được cắt ghép bởi hàng nghìn chi tiết nhỏ. Tôi đã ngắm nhiều tranh của chị trong các triển lãm gần đây, cũng mê man với nhiều bức tranh trong căn nhà của chị, mà Thanh Thục đã cần mẫn bền bỉ đan bện bằng niềm đam mê và cả tâm hồn của một người phụ nữ nhạy cảm. Chiêm ngưỡng bức “Hồ Gươm Hà Nội chiều thu”, sẽ thấy ánh lên vẻ kỳ công của đôi bàn tay khéo léo, không chỉ biết tưởng tượng, mà còn làm chủ được sắc màu. Thanh Thục nói: “Thực tế nhiều người đã vẽ hay chụp tháp Rùa ở Hồ Gươm. Nhiều bức rất đẹp. Khi thực hiện tôi bị áp lực, là mình không thể làm qua quýt được. Tôi đã thai nghén suốt hai năm. Vì sao phải lâu đến vậy? Vì thật sự, để thể hiện bằng bột màu hay các chất liệu khác thì dễ hơn, chứ với chất liệu vải thì cực kỳ khó”.

Đồng quan điểm ấy, họa sĩ Phạm Bình Chương cho rằng, càng về sau họa sĩ càng gặp áp lực trước người đi trước. Nên họa sĩ ngày nay càng phải vẽ sâu. Bởi thế, 19 năm cầm cọ, dường như họa sĩ Phạm Bình Chương chỉ vẽ về Hà Nội, với khoảng 160 bức, cố gắng đem lại cho người xem những bất ngờ bởi vẻ đẹp bình yên đến nao lòng. Phạm Bình Chương sinh ra và lớn lên ở phố cổ, không gian phố ngấm vào mạch máu, chảy trong huyết quản của anh.

Vươn ra thế giới

Cùng thế hệ 7X với Phạm Bình Chương, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy “đóng đinh” tên tuổi của mình vào con đường gốm sứ, cùng một số công trình khác ở Hà Nội. Chị vinh dự nhận nhiều giải thưởng quốc tế. Mới đây, vào tháng 6-2019, nhóm họa sĩ của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, gồm Nguyễn Thu Thủy, Trần Định, Huy Quân, Cao Quyền, Đinh Huy, đã thực hiện Bức tranh tường "Mùa xuân Pháp - Việt" cao 3,5m, dài 40m trên bức tường đê bên sông Seine chảy qua thành phố Choisy le Roi (Pháp). Đây là bức tranh không chỉ thể hiện tài năng của chị Thủy, tinh thần giao lưu văn hóa quốc tế.

Nguyễn Thu Thủy từng chia sẻ, bản thân chị vinh dự khi được đóng góp cho tình hữu nghị giữa thành phố Choisy le Roi với Việt Nam. Đây là thành phố diễn ra các cuộc đàm phán bên lề Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Một tấm gương kết nối văn hóa, mang vẻ đẹp quê hương Việt chia sẻ với bạn bè quốc tế là nữ họa sĩ Văn Dương Thành. Đã từ lâu căn biệt thự “Hoa sen trắng” (White Lotus) trên đường Nghi Tàm, Hà Nội của họa sĩ Văn Dương Thành đã trở thành địa chỉ văn hóa của nhiều khách trong nước và quốc tế.

Sinh ra tại tỉnh Phú Yên, nhưng họa sĩ Văn Dương Thành lớn lên tại Hà Nội. Dù sống ở nước ngoài lâu năm, nhưng bà vẫn mang đậm chất Hà Nội trong tâm hồn. Con người họa sĩ Văn Dương Thành là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, với tà áo dài duyên dáng cùng mái tóc dài đen nhánh thả ngang lưng. Nhiều bức tranh được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam do các Đại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Rumani, Trung Quốc, Môn-đô-va. Nhờ vậy, khách quốc tế có dịp được ngắm phong cảnh thiên nhiên, tiếp xúc với văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đặc biệt, bà là một trong những gương mặt văn hóa của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Để góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của hội nghị, bà đã tặng bản quyền 50 tác phẩm về kiến trúc Hà Nội và làng quê Việt Nam cho Bộ Ngoại giao để in lịch tặng các Đại sứ Việt Nam ở nhiều nước và các đại biểu tham dự APEC.

Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu Hà Nội. Nhiều họa sĩ đã thành công và góp phần làm giàu văn hóa Hà Nội khi cất tiếng nói bằng tranh, sắc màu.

Nguyễn Văn Học

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ky-cuoi-su-thang-hoa-cua-hoi-hoa-89859.html