Kỳ họp 'chưa từng có'!

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã sử dụng cách nói hình tượng, khái quát để nhấn mạnh những mục tiêu, yêu cầu, giải pháp mới đặt ra cho cả hệ thống chính trị của Thành phố tại Kỳ họp lần thứ 11 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa X, diễn ra ngày 19-9.

Với hơn 100 tờ trình, nghị quyết quan trọng về cơ chế, chính sách, dự án... được thông qua, theo người lãnh đạo cao nhất Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đây là kỳ họp với nhiều nội dung lớn “chưa từng có” của HĐND TP Hồ Chí Minh.

Nói “chưa từng có”, bởi đây là kỳ họp đầu tiên HĐND Thành phố cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để phát triển TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2023. Sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 98, nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã nhanh chóng được tháo gỡ.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, “con tàu mang tên Nghị quyết 98 đã đi được một đoạn, chuyến hàng đầu tiên đã được đưa lên tàu”. Và với việc HĐND Thành phố thông qua 107 tờ trình, nghị quyết về cơ chế, chính sách, dự án quan trọng, “con tàu mang tên Nghị quyết 98 đã chất đầy hàng và sẵn sàng tăng tốc”. Đây là dẫn chứng chứng minh tinh thần quyết tâm, thái độ quyết liệt của lãnh đạo Thành phố nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong chiến lược phát triển.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nói “chưa từng có”, bởi đây là lần đầu tiên đô thị đầu tàu của cả nước được áp dụng hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đề cao quyền tự chủ, tự quyết để “gỡ rối” và “kiến tạo” động lực phát triển. Và thực tế đã chứng minh sự khởi sắc quan trọng trên hai lĩnh vực mấu chốt, đó là giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh đã tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công lên 51% so với cùng kỳ năm 2022. Từ nay đến hết năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân hơn 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Con số này gần bằng kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố trong 2 năm 2021-2022.

Nói “chưa từng có”, bởi sau khi thông qua hàng loạt nghị quyết thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố, hệ thống chính trị các cấp trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh chính thức được “gỡ rối” khơi thông hành lang pháp lý. Những điểm nghẽn, bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính từ cơ sở sẽ đồng loạt được tháo gỡ. TP Thủ Đức và các quận, huyện, sở, ban, ngành (trong đó có Sở An toàn thực phẩm-mô hình đầu tiên của cả nước) được Chủ tịch UBND Thành phố trao nhiều quyền tự chủ và tự quyết vì mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.

Kỳ họp với nhiều nội dung “chưa từng có” đã kết thúc. Để chuyển hóa những điều “chưa từng có” từ nghị quyết thành hành động thực tiễn, thành sản phẩm thực tế thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thành phố phải có nhận thức và hành động “chưa từng có”. Bởi, cơ chế chính sách chỉ là cơ sở pháp lý, là điều kiện “cần”. Điều kiện “đủ” và là yếu tố quyết định nằm ở hành động, việc làm của đội ngũ công bộc, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng hành của toàn dân.

Hy vọng vào sự chuyển biến mạnh mẽ “chưa từng có” trong phát triển đời sống kinh tế-xã hội ở thành phố đầu tàu cả nước hoàn toàn có cơ sở, khi những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội vừa là sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, vừa là nguyện vọng của toàn dân. Công tác truyền thông chính sách để biến những quyết sách, giải pháp của cơ chế đặc thù thành hành động từ nhu cầu tự thân của công bộc, doanh nghiệp và người dân cũng phải được đổi mới, đẩy mạnh, thực hiện với tâm thế “chưa từng có”.

NGUYỄN MINH THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ky-hop-chua-tung-co-743597