Kỷ luật tích cực
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông, dự kiến thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988.
Theo dự thảo, việc phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ) sẽ được bãi bỏ. Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường sẽ là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành. Một số hình thức kỷ luật tích cực như nhắc nhở, động viên, phê bình đối với học sinh vi phạm; tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tiếp để học sinh sửa chữa khuyết điểm; yêu cầu học sinh viết cảm nhận/kiểm điểm về sự việc đã xảy ra; lao động công ích; tham gia các hoạt động vì cộng đồng… được đề xuất. Đặc biệt, dự thảo đề cao vai trò của người đứng đầu nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng quy định nội quy, hình thức kỷ luật tích cực cũng như lập kế hoạch giúp học sinh sửa chữa khuyết điểm, tiến bộ…
Kỷ luật là một trong các hình thức tổ chức hoạt động của mỗi nhà trường để giữ gìn và xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh có nhận thức đúng đắn hơn. Thực hiện Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT, công tác kỷ luật học sinh thời gian qua đã góp phần khuyến khích, thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản thân; phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng vi phạm nội quy, quy định của nhà trường; phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và bình đẳng.
Tuy vậy, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hành lang pháp lý cho công tác kỷ luật học sinh đến nay đã quá cũ, nhiều bất cập. Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT ra đời cách nay hơn 30 năm, khi học sinh chưa biết đến máy vi tính, thì nay, trong bối cảnh nhà nhà, người người dùng Internet, nhiều quy định đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp thực tiễn. Nhất là khi so với một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây như Luật An ninh mạng, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục... nhiều quy định đứng trước nguy cơ đụng chạm, vênh nhau.
Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh hiện nay còn mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Câu chuyện Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM) đã kỷ luật một học sinh bằng cách bắt em này công khai đọc bản kiểm điểm, nhận lỗi do đã xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trên mạng xã hội trước toàn trường đã gây xôn xao dư luận một dạo, vì không chỉ ảnh hưởng đến quyền trẻ em mà không phù hợp với môi trường giáo dục. Những điểm hạn chế, bất cập của hệ thống quy định về kỷ luật học sinh hiện nay không chỉ làm giảm tác dụng giáo dục, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong trường học.
Hơn 30 năm là một chặng đường dài, không chỉ điều kiện kinh tế - xã hội đã khác xưa, các quy định pháp luật có nhiều hoàn thiện mà bản thân các phương pháp giáo dục và dạy học trong ngành cũng có nhiều đổi mới. Thay đổi quy định về kỷ luật học sinh theo xu hướng sử dụng các biện pháp kỷ luật tích cực không mang tính bạo lực, trừng phạt, phù hợp tình hình mới là việc làm hết sức cấp thiết. Có như vậy, hoạt động này mới góp phần hiệu quả trong giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho các em phát triển, giúp nhà trường giữ gìn, phát triển văn hóa ứng xử, giúp các học sinh có môi trường giáo dục tốt đẹp hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/ky-luat-tich-cuc-w2GMc9vGg.html