Làm báo trong kỷ nguyên số: Tin tức chậm 1 giây đã mất độc quyền
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, với tốc độ phát triển của mạng xã hội như hiện nay thì việc xử lý tin tức chậm 1 giây có thể đã mất đi tính độc quyền.
Ngày 18/3, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Talkshow: "Người làm báo trong kỷ nguyên số". Đây là hoạt động thiết thực của những người làm báo, nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ về làm báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.
Diễn giả của talkshow là nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế đô thị; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt); cùng lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước.
Tại đây, cả 3 diễn giả đều cho rằng, ở thời kỳ 4.0, công nghệ đã làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên, người làm báo ngày xưa và ngày nay vẫn giống nhau, đó là đều có tinh thần cống hiến, đam mê, chiến đấu bằng ngòi bút chống tiêu cực, tham nhũng, chiến đấu bảo vệ lẽ phải của Nhà nước, nhân dân.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho hay, nhờ công nghệ, người làm báo có hiệu quả, năng suất hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với 3 vấn đề là: nội dung, công nghệ, kinh tế báo chí.
Về nội dung, ông Đức cho rằng, một nhà báo giỏi, có những sản phẩm hay, lượng độc giả cao phải là chuyên gia đứng đầu về lĩnh vực mình theo dõi. Ở thời điểm công nghệ số phát triển như hiện nay, người đó phải giỏi về công nghệ.
Theo ông Đức, trong thời kỳ kỷ nguyên số, yếu tố view của mỗi tác phẩm là rất quan trọng, quyết định đến nhuận bút của mỗi người.
"Các phóng viên hiện nay tại cơ quan tôi rất áp lực, bởi hàng tuần tôi phải kiểm tra view của họ. Quan điểm của tôi là một sản phẩm báo chí mà không có view là không thành công. Bài viết không có view thì không có nhuận bút. Mỗi tuần, chúng tôi sẽ lọc ra 20 người có view thấp nhất, tòa soạn sẽ trao đổi và hướng dẫn phóng viên về vấn đề đó", ông Đức nói.
Người đứng đầu Báo Kinh tế đô thị cho rằng, để có lượng view cao thì phóng viên phải biết kết hợp nội dung và công nghệ; làm báo đa phương tiện như viết, chụp ảnh, quay phim, sử dụng phần mềm để dựng, biên tập video...
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng tiết lộ yêu cầu về tuyển dụng biên tập viên của cơ quan mình hiện nay như phải biết về infographic, dựng phim, podcast... Còn đối với các sinh viên ngành báo chí hiện nay, phải làm chủ được báo chí đa phương tiện, công nghệ; đặc biệt, phải có lòng yêu nghề, không nên vì muốn nổi tiếng hay giàu có mà đến với báo chí.
Trong khi đó, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, với những phương tiện làm báo với tốc độ chớp mắt như hiện nay, người làm báo rất dễ đánh mất mình và rơi vào cạm bẫy, cám dỗ; vì quá mải mê theo đuổi các thông tin trên mạng xã hội mà không xác minh, đi tác nghiệp; thậm chí có thể đánh mất lương tâm của người làm nghề, dùng nghề phục vụ lợi ích của bản thân.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết thêm, chuyển đổi số cũng đang tạo những thách thức, áp lực cho người làm báo vì nếu thông tin mình có được mà không được xử lý kịp thời thì chỉ chậm 1 giây đã mất đi tính độc quyền.
"Có những phóng viên chưa đăng bài đã share nội dung lên Facebook hay bê nguyên thông tin trên đó về để viết bài. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mải chạy theo KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc - PV), trượt theo thời sự mà không tìm cái sâu", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Ông Hoàng cho rằng, thời buổi công nghệ số và làm việc toàn cầu hiện nay, nếu tác phẩm không đặc sắc thì không có giá trị. Ngoài ra, người làm báo phải biết công nghệ, thông thạo ngoại ngữ, hiểu chuyên sâu về một số lĩnh vực.