Lâm Đồng: Nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng rất cao

* Thành lập các Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng

(LĐ online) - Ngày 9/11, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận đã ký văn bản gởi các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh nhằm thực hiện các chỉ đạo mới của Bộ Y tế và UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Từ đầu tháng 11 đến nay, có thêm nhiều địa điểm nguy cơ liên quan dịch tễ bệnh nhân Covid-19 tại TP Đà Lạt

Từ đầu tháng 11 đến nay, có thêm nhiều địa điểm nguy cơ liên quan dịch tễ bệnh nhân Covid-19 tại TP Đà Lạt

Sở Y tế tỉnh thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 15/10 đến nay đã có 19.654 trường hợp từ các tỉnh, thành phố phía Nam về địa phương, đã có 359 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 87 trường hợp mắc Covid-19 đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 chiếm 24,2%; còn lại là 156 ca đã tiêm 1 mũi, 116 ca chưa tiêm vắc xin, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh rất cao.

Vì vậy, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Quyết định 2563/QĐ-UBND tỉnh Lâm Đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong phòng chống dịch Covid-19 theo lĩnh vực phụ trách; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch.

Đối với người đến làm việc, liên hệ công tác tại các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo thực hiện khai báo y tế, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đối với người về từ các tỉnh, thành phố khu vực nguy cơ, khu vực có dịch thì phải có xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR âm tính.

UBND các huyện, thành phố hàng ngày cử cán bộ liên hệ với các chốt trên địa bàn tỉnh thống kê danh sách 100% người về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với chính quyền, y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Tuyên truyền, khuyến khích việc tự nguyện làm xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp đi về từ vùng dịch, vùng nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Tổ chức đánh giá mức độ nguy cơ hàng ngày của từng địa bàn (xã, phường, thị trấn…) đăng trên trang thông tin điện tử của huyện, thành phố để người dân biết, có biện pháp phòng tránh, để thu hẹp phạm vi và rút ngắn thời gian thực hiện giãn cách.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các đối tượng nghi nhiễm, người về từ vùng dịch. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

Thành lập các Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho nhân viên tham gia các Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và triển khai các nội dung theo quy định tại Quyết định số 4349/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế.

Tiếp tục rà soát kế hoạch điều trị Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ (các huyện, thành phố phải đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 1) và các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được giao quản lý đáp ứng các tình huống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là nhân lực, ô xy y tế; xây dựng kế hoạch thiết lập các trạm y tế lưu động và tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế lưu động theo hướng dẫn tại Quyết định số 4377/QĐ-BYT ngày 11/9/2021 của Bộ Y tế.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1 phải đạt 100%, để triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động): Thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20). Xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ. Xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất. Xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.

Trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: Tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động. Dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động tại các văn bản số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021, 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021.

Phòng Y tế, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh và duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thông thường theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Định kỳ hàng tháng thực hiện đánh giá “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” và “Bộ Tiêu chí Phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế.

UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc di biến động dân cư trên địa bàn, tổ chức quản lý 100% người đi về từ vùng dịch, vùng có nguy cơ, từ các tỉnh, thành phố. Tiếp tục triển khai hoạt động của các Tổ Covid-19 tại cộng đồng, đây là lực lượng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ, vùng có dịch chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, tự nguyện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/lam-dong-nguy-co-dich-covid-19-lay-lan-trong-cong-dong-rat-cao-3088341/