Làm gì khi bị chủ nợ đe dọa vì mất khả năng trả nợ?
Do kinh tế khó khăn, tôi có vay người bạn một số tiền lớn để lo việc gia đình, hiện tại tôi không có khả năng thanh toán số tiền nợ trên. Vài tháng gần đây, chủ nợ liên tục sai người đến đòi nợ bằng cách gây áp lực về tinh thần, đe dọa dùng vũ lực.
Thậm chí chủ nợ còn huy động người đến kê ghế trước cửa nhà tôi, lăng mạ, yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tôi phải làm gì và kêu cứu ai để bảo vệ những người thân của mình?
Nguyễn Văn Dũng (Sóc Sơn, Hà Nội)
Trả lời:
Quyền tự do đi lại là quyền Hiến định, là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống bình thường của mỗi công dân và là điều kiện tiền đề để thực hiện những quyền khác.
Quan hệ vay tiền của bạn tùy theo nội dung, tính chất có thế được giải quyết bằng các luật liên quan. Tuy nhiên, hành vi cản trở gia đình bạn di chuyển ra ngoài chỗ ở có dấu hiệu của “Tội giam người trái pháp luật”, được quy định tại Điều 123 (Bộ luật Hình sự). Theo quy định: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm”.
Theo đó, giữ hoặc giam người trái pháp luật (không phân biệt địa điểm giam nạn nhân) được hiểu là các hành vi ngăn cản, hạn chế hay tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do di chuyển của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.
Bên cạnh đó, đối với việc lăng mạ thành viên trong gia đình bạn, hành vi này xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân, gây rối trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Nghị định này quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Nền kinh tế suy thoái làm gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh tế trong đó có không ít các trường hợp được giải quyết bằng các công cụ, phương tiện trái pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Và như vậy, người có quyền trong quan hệ dân sự có nguy cơ trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự mà bị hại chính là con nợ của họ.
Một mặt, bạn cần nỗ lực tìm cách thỏa thuận, thương lượng với chủ nợ về phương án trả nợ khả thi và sát với thực tế. Mặt khác, bạn nên trình báo đến cơ quan công an địa phương hành vi hạn chế, ngăn cản các thành viên trong gia đình bạn đi lại tự do. Công an sẽ tiến hành xác minh, xử lý; Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm hình sự, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển lên cơ quan điều tra cấp huyện giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật gia Bùi Thị Hằng
(Công ty Luật Intercode)