Lâm nghiệp, thủy sản 'cứu cánh' tăng trưởng những tháng cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2%, nhưng mức tăng có chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Về sản xuất, các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp đều có sự phát triển, tăng trưởng khá. Riêng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng và xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.Tính đến ngày 26-6, dịch đã xuất hiện ở 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy khoảng 2,8 triệu con.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 khoảng 43 tỷ USD, theo ông Việt, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU và việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) (ngày 30-6-2019) chính thức mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 ngày 28-6 tại Hà Nội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 ngành phải tập trung đẩy nhanh hơn những lĩnh vực ngành hàng Việt Nam đang có dư địa. Đó là phát triển kinh tế lâm sản phải đẩy mạnh, nhanh hơn; thủy sản khai thác và nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng dù giá thủy sản trên thế giới đang không cao, nhưng đây vẫn còn dư địa để tập trung phát triển.
“Lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản phải đẩy nhanh hơn vì đang có cơ hội. Về thủy sản kể cả khai thác về nuôi trồng, đặc biệt nuôi trồng đang tăng trưởng mặc dù thế giới hiện nay về giá của thủy sản đang ở mức không cao nhưng khu vực này vẫn còn dư địa để tập trung phát triển. Đây là sẽ là 2 khu vực "cứu cánh" cho tốc độ tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.